Gương người xưa: Hoàng đế Hán Minh Đế kính sư trọng Đạo
“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp của người xưa. Câu chuyện về ông vua nhà Đông Hán dưới đây là tấm gương sáng đẹp cho hậu nhân.
Hán Minh Đế (28-75) tên thật là Lưu Trang, là vị hoàng đế thứ hai của triều đại Đông Hán. “Minh” có nghĩa là “hiểu biết”, “sáng”, trong lịch sử nhà Đông Hán, Minh Đế được coi là một hoàng đế anh minh.
Trong suốt triều đại của ông (57-75), Phật giáo bắt đầu phát triển ở Trung Quốc. Những câu chuyện sau đây cho thấy tấm lòng tôn sư trọng đạo và sẵn sàng lắng nghe lời can gián của ông.
Hán Minh Đế kính sư
Từ nhỏ, Thái tử Lưu Trang đã học tập các kinh điển của Nho giáo. Ông học tập “Thượng Thư” và các tác phẩm kinh điển từ thầy giáo Hoàn Vinh, và nhất mực tôn kính người thầy của mình. Sau khi Lưu Trang trở thành hoàng đế, ông vẫn luôn thể hiện sự kính trọng đối với những người thầy của mình.
Hoàng đế từng đích thân đến Thái thường phủ, thỉnh mời Hoàn Vinh ngồi ở hướng Đông, thiết trí bày biện như ngày Hoàn Vinh dạy Thái tử học năm xưa, để được nghe thầy chỉ giáo. Hán Minh Đế còn triệu mấy trăm quan lại cùng với mấy trăm người từng là học trò của Hoàn Vinh đến Thái thường phủ, hướng lên Hoàn Vinh hành lễ đệ tử.
Khi Hoàn Vinh bị bệnh, Hán Minh Đế đích thân đến thăm viếng. Mỗi lần đến thăm lão sư, khi sắp đến nơi Hoàng đế đều xuống khỏi xe ngựa, đi bộ tới trước nhà Hoàn Vinh, tỏ lòng tôn kính. Hoàn Vinh qua đời, Hán Minh Đế tự mình mặc tang phục mà dự tang lễ.
Ngôi chùa Phật giáo đầu tiên của Trung Quốc
Các bộ Quốc sử và lịch sử Phật giáo Trung Hoa đều kể rằng, có một ngày, Hán Minh Đế mơ thấy một người đàn ông cao lớn thân bằng vàng ròng với vầng hào quang trên đầu tiến đến trung tâm của cung điện. Minh Đế định sẽ tiến đến nói chuyện thì người đàn ông ấy bất ngờ thăng lên và bay về hướng Tây.
Sáng hôm sau, Hán Minh Đế kể với các cận thần về giấc mơ tối qua, và hỏi đấy là vị thần tiên nào? Có vị quan Thông nhân tên Phó Nghị tâu: “Thần nghe, bên nước Thiên Trúc có một người tu hành đắc đạo, gọi là Đức Phật. Vị ấy có thể bay trong hư không, toàn thân tỏa ra ánh sáng rực rỡ. Có lẽ ấy là vị thần trong mơ”.
Vào năm 64, Hán Minh Đế sai các sứ giả đến Tianzhu (Tây Bắc Ấn Độ) để tìm kiếm thông tin về Phật giáo. Vào năm 67, các sứ giả đã gặp hai cao tăng Ấn Độ, Kasyapa Pandita và Bharana Pandita, trong một khu vực thuộc Afghanistan ngày nay.
Hai nhà sư đã bị thuyết phục bởi sứ giả và đi cùng với họ đến Trung Quốc để hoằng dương Phật pháp. Họ đến Lạc Dương, sau đó là thủ đô của Đông Hán, mang theo kinh Phật, xá lợi và tượng Phật trên hai con ngựa trắng.
Năm tiếp theo, Minh Đế đã ra lệnh xây dựng một ngôi chùa bên ngoài gần thành Lạc Dương và đặt tên là chùa Bạch Mã để tôn vinh hai nhà sư Ấn Độ cũng như hai con ngựa trắng. Sau đó, các tu sĩ cư trú tại chùa và dịch kinh điển Phật giáo sang tiếng Trung Quốc.
Lắng nghe lời can gián
Vào một năm nọ, Hán Minh Đế đã chuẩn bị xây dựng thêm cung điện ở phía Bắc theo ý thích của mình. Đó là một năm hạn hán.
Một vị quần thần đã gửi tấu chương cho hoàng đế, nói: “Hiện nay, dân chúng đang phải chịu cảnh hạn hán, mà hoàng thượng lại chuẩn bị xây dựng thêm cung điện. Vậy thì, vấn đề thủy lợi cấp bách này sẽ bị dẹp sang một bên sao? Mong rằng bệ hạ hãy quan tâm đến sinh kế của chúng dân!”.
Minh Đế liền ngay lập tức dừng lại kế hoạch xây dựng và bày tỏ sự hối hận với các quần thần.
Hai ngày sau đó, quả nhiên đã có mưa lớn, và hạn hán đã kết thúc.
Người ta đều nói rằng: “Hoàng đế lắng nghe lời can gián đã làm cảm động các tầng trời”.
Bảo An, theo epochtimes / minhhue