Ghi chép trong kỳ thư: Người con có hiếu được Thần tiên điểm hóa
Vào năm Thiệu Hưng thời Tống Cao Tông, có một hiếu tử tên là Dương Đại Minh. Trong lúc làm tròn đạo hiếu, ông gặp được một đạo sĩ, và lưu lại một câu chuyện kỳ lạ. Quan viên địa phương báo cáo việc này lên triều đình. Hoàng đế vì vậy mà hạ chiếu ngợi khen, việc này sau đó đã được kỳ thư ghi chép lại.
Theo “Di Kiên Chí” kể lại, huyện Nam Khang, tỉnh Giang Tây có một trí thức tên là Dương Đại Minh. Sau khi cha của Dương Đại Minh qua đời, ông xây một gian phòng bên cạnh phần mộ cha để giữ đạo hiếu.
Năm Thiệu Hưng thứ 12 (1142), vào một buổi sáng sớm xuất hiện một đạo sĩ từ dưới núi đi lên. Lúc ấy, Dương Đại Minh đang dạy ba bốn đứa nhỏ đọc sách, còn có một người hầu ở bên cạnh nấu cơm. Trên núi hoang cuộc sống buồn tẻ, trong vòng mười dặm không có người ở. Ông nghĩ, vị đạo sĩ này hẳn là vịn vào cây mà leo đến đây.
Bình thường Dương Đại Minh không có ai để nói chuyện, nhìn thấy vị đạo sĩ, ông rất vui mừng đón tiếp. Đạo sĩ nói với ông: “Vào tháng tám ông sẽ gặp tai ương, nuốt viên dược này của ta, có thể tránh trừ tai nạn”. Nói xong, đạo sĩ lấy từ hồ lô bên hông ra một viên đan dược cho Đại Minh nuốt.
Đạo sĩ hỏi: “Ta có thứ muốn xin, ngài có thể đáp ứng không?”. Đại Minh hỏi: “Ông có yêu cầu gì?”. Đạo sĩ chỉ lên cái áo vải mắc trên giá: “Ngài hãy cho ta cái áo này!”. Đại Minh sợ bị lừa gạt, nên không lập tức đưa ngay. Đạo sĩ thỉnh cầu một lần nữa, Dương Đại Minh bất đắc dĩ mới đưa áo. Sau đó đã xảy ra một cảnh tượng thần kỳ.
Đạo sĩ nhận lấy cái áo, chậm rãi cuốn lại, nhét vào trong hồ lô, nhưng miệng hồ lô chỉ có thể nhét vừa một ngón tay. Đại Minh cảm thấy rất kỳ quái, nghĩ thầm trong bụng: “Chẳng lẽ ông ấy muốn làm ảo thuật cho mình xem?”
Đạo sĩ nói: “Chẳng lẽ ngài cho là ta thật sự muốn y phục này sao? Ta chỉ muốn thăm dò ngài mà thôi. Ngài đã có thể lấy quần áo cho ta, cũng rất đáng được khen ngợi!”. Nói xong, đạo sĩ lấy áo từ trong hồ lô trả lại, sau đó mượn Đại Minh một cái bát. Ông lấy ra một nắm vụn thuốc, vo nặn ở trong bát thật lâu, cuối cùng biến thành một viên đan dược màu đỏ.
Đạo sĩ hỏi Đại Minh nói: “Ngài muốn ăn viên thuốc này không?”. Đại Minh nói: “Cơ thể của ta không có bệnh, không cần ăn”. Đạo sĩ cũng không ép buộc, sau đó tự mình ăn hết dược hoàn, chậm rãi nói: “Ngài lưu lại chỗ này thời gian lâu, cuộc sống sẽ lâm vào khốn đốn đấy. Để ta tặng ngài một ít gì đó”.
Đạo sĩ quay đầu gọi học trò của Dương Đại Minh tìm cho mình một cục đá to. Đạo sĩ nắm cục đá ở trong tay, sau đó thổi mấy hơi, hỏi Đại Minh: “Ngài đoán xem, trong tay của ta là cái gì?”. Đại Minh trả lời: “Ta không biết”.
Đạo sĩ ném vật trong tay lên mặt bàn, mọi người nhìn lại thì ra là một khối vàng rực rỡ, bên trên còn in dấu năm ngón tay. Đạo sĩ nói: “Ngài có thể nhận nó lấy làm tiền sinh hoạt”.
Lúc ấy mẹ của Dương Đại Minh còn sống, chăm sóc mẹ già quả thực cần tiền bạc. Ông biết rõ mình đã gặp được kỳ nhân, nghĩ thầm: “Đạo sĩ này có thể đang dùng tiền tài để thăm dò mình”, vì vậy từ chối nhận khối vàng. Đạo sĩ cười ném khối vàng xuống đất, dùng chân giẫm mạnh, khối vàng lại biến thành đá.
Đạo sĩ kia đứng dậy chuẩn bị cáo từ. Đại Minh thấy thế, muốn mời ông ta ở lại uống rượu, đạo sĩ không đồng ý. Đại Minh chỉ vào thơ văn trên vách tường nói: “Những vần thơ này đều là bạn bè đến thăm ta viết tặng. Ta cũng hy vọng có thể có được thơ văn của tiên sinh, có được không?”.
Đạo sĩ đồng ý, ông cầm lấy cây bút cùn trên bàn, chấm chấm trong chén nước, phất tay viết vài chữ trên tường. Bởi vì màu mực thật sự quá nhạt, không ai nhìn ra ông viết cái gì. Sau khi Đại Minh tiễn đạo sĩ xuống núi, phát hiện ra chữ mà đạo sĩ ghi hiện ra màu tím nhạt, thơ văn viết: “Dương quân thật sự là một người kiên trinh, trời cao cũng chứng kiến được tấm lòng hiếu thảo. Ngọc hoàng đại đế thương cảm ông tình cảnh gian nan, cho nên đêm thất tịch hôm nay phái ‘Hồi’ (tên hiệu của Lã Động Tân) đến thăm. Ta biến đá thành vàng, tặng cho ông. Ông đã không muốn, ta cũng không miễn cưỡng. Thế gian hồng trần không thể ở lâu, hy vọng ông không quên đi tấm lòng hiếu thảo ban đầu. Khi ông còn cảm thấy nghi ngờ, ta đã về trời rồi”.
Thơ văn bên trên đề ‘Loạn hán đạo nhân’. Từng chữ đều dài bốn tấc. Càng thần kỳ chính là, những chữ viết màu tím nhạt này lại hiện ra sắc đỏ, tựa như dùng đất đỏ mà viết ra vậy.
Ngày hôm sau, Đại Minh hỏi lần lượt thôn dân, tất cả mọi người đều nói chưa từng nhìn thấy đạo sĩ đó. Người trong làng nghe nói việc này, tranh nhau đến xem chữ đạo sĩ viết, nhìn thấy nét chữ bay bổng, mọi người đều hoài nghi đây là bút tích của tiên nhân.
>>> Lã Động Tân vì sao lại bị chó cắn? Câu chuyện trước đó ý nghĩa mới thật sâu xa
Các trí thức đồng hương đã báo việc này lên quan huyện, huyện lệnh báo lên quận trưởng, quận trưởng lại báo cáo đến triều đình. Tống Cao Tông vì khen ngợi lòng hiếu thảo của Dương Đại Minh, hạ chiếu ban cho ông mười cuộn vải, còn lệnh cho quan địa phương mỗi lần ăn tết, trước hết đến vấn an ông.
5 năm sau, Trần Thế Tài từ Phúc Châu đến Nam Khang đảm nhiệm huyện úy, tự mình gặp được Dương Đại Minh, hỏi ông chi tiết đầu đuôi câu chuyện. Bọn họ đặc biệt đến tận căn nhà mà Đại Minh đã ở đó để giữ hiếu. Bởi vì thời gian đã lâu, nhà cỏ đã rách nát, thơ văn trên tường đều bong ra từng mảng, chỉ duy nhất bài thơ mà đạo sĩ ghi vẫn còn y nguyên, chữ tựa như mới viết, đọc được rõ nét. Trong thơ viết “khiển hồi vãng”, bởi vì tên hiệu của Lã Động Tân là “Hồi Đạo Nhân”, vì vậy mọi người phỏng đoán, vị đạo sĩ đó nhất định là Lã Động Tân trong Bát Tiên.
Câu chuyện này được ghi chép lại trong tài liệu lịch sử “Khởi Cư Chú”, người viết câu chuyện này là Hồng Mại, quan viên triều đại Nam Tống, tác giả của “Di Kiên Chí”. Hồng Mại may mắn đọc được “Khởi Cư Chú” biết được việc này. Về sau, ông thông qua nhiều tài liệu, hiểu được kỹ càng, vì vậy ghi chép nó lại lần nữa.
(Chú thích: “Khởi Cư Chú” là sách ghi chép lại lời nói và việc làm của đế vương hàng ngày, bình thường không truyền ra ngoài, người bình thường cũng không được xem. Sau này sử quan biên soạn quốc sử, “Khởi Cư Chú” trở thành tư liệu quan trọng)
(Trích từ “Di Kiên Ất Chí” cuốn ba, “Di Kiên Đinh Chí” cuốn tám)
>>> Chuyện chưa kể về vị tiên bất tử Lã Động Tân
>>> Không nghe Lã Động Tân khuyên bảo, vị Tể tướng rơi vào chốn lưu đày
Tuệ Tâm, theo NTDTV