Gặp người cố tình gây hấn, nhẫn nhịn một chút sẽ tránh được tai họa
Trong cuộc sống không tránh khỏi những lúc chúng ta bị vu oan giá họa một cách hết sức vô lý, thật khó có thể nhẫn nhịn được. Nhưng thực ra đằng sau nó đều là có nguyên do.
Vào triều đại nhà Thanh, ở Tô Châu có người tên Từ Thụ Thiên. Một lần khi anh ta đang đi trên đường thì bị một người gánh phân đụng phải, còn làm phân dính hết lên người anh ta.
Từ Thụ Thiên vốn định nổi giận, bắt người đó phải bồi thường quần áo và giày, nhưng lại nghĩ người gánh phân này nhất định là gia cảnh nghèo khó, nghĩ rằng anh ta cũng không có khả năng bồi thường cho mình. Vì vậy, Từ Thụ Thiên nhẫn chịu, lặng lẽ quay người bỏ đi.
Nhưng không ngờ, người gánh phân kia lại vu oan rằng Từ Thụ Thiên đã đụng đổ thùng phân của mình, rồi vừa đánh vừa mắng Từ Thụ Thiên.
Từ Thụ Thiên giãy giụa rồi vội vàng bỏ chạy. Người gánh phân đuổi theo ở phía sau phải đến hơn một dặm, ngay cả những người xung quanh cũng cảm thấy bất bình cho Từ Thụ Thiên.
Từ Thụ Thiên mang theo cơ thể dơ bẩn đi về nhà, vợ con cũng trách móc anh ta, cho rằng đây là việc chẳng lành, Từ Thụ Thiên cũng cảm thấy buồn bực không vui.
Lúc nửa đêm, Từ Thụ Thiên đột nhiên nghe thấy ở bên ngoài có tiếng gõ cửa dồn dập, anh ta nghĩ: “Nửa đêm canh ba, ai lại gõ cửa cấp bách như vậy?” Anh ta khoác áo rồi chạy ra mở cửa, vừa nhìn thấy thì không khỏi hoảng sợ, phía trước cửa chính là người gánh phân đã gặp ban sáng.
Thấy người gánh phân kia trừng mắt đứng trước mặt, Từ Thụ Thiên đành phải nói: “Ban ngày anh đụng phải tôi, làm bẩn hết đồ của tôi, tôi đã không bắt anh phải bồi thường. Anh đuổi đánh tôi, tôi lại nhẫn nhục mà né tránh. Vậy mà đêm hôm khuya khoắt anh lại còn đến nhà tôi để gây chuyện nữa hay sao?”
Người gánh phân nói: “Kiếp trước tôi và anh có oán thù, bây giờ là thời cơ tốt để đến giải quyết. Bởi vì ban ngày anh đã nhẫn nhịn, oán hận của tôi đã được loại bỏ rồi. Thọ mệnh của tôi đã đến, nhà lại rất nghèo khó, không có quan tài để chôn cất.
Nếu như anh có thể giúp tôi chôn cất đàng hoàng, mối thù của chúng ta coi như được hóa giải hoàn toàn. Nếu anh có thể giúp đỡ vợ con tôi một chút, tôi nhất định sẽ báo đáp ân đức của anh”.
Người gánh phân nói xong thì khóc òa lên. Vốn là, người gánh phân ban ngày sau khi đuổi đánh Từ Thụ Thiên xong thì cũng qua đời.
Từ Thụ Thiên rất sợ hãi, nhưng vẫn đáp ứng thỉnh cầu của anh ta. Người gánh phân nói danh tính và nơi ở của mình cho Từ Thụ Thiên biết, rồi buồn bã rời đi.
Ngày hôm sau, Từ Thụ Thiên theo địa chỉ người gánh phân nói mà đến hỏi thăm, quả nhiên là đã tìm được. Từ Thụ Thiên liền khâm liệm cho anh ta, cũng cho con trai của anh ta mười lượng bạc, rồi mở cho một điểm buôn bán nhỏ để lấy tiền phụng dưỡng mẹ.
Từ Thụ Thiên sau việc này mới nói với mọi người xung quanh: “Nếu lúc tôi bị sỉ nhục và đánh chửi nhất thời không nhịn được cơn nóng giận, cãi lộn đánh nhau với anh ta, thì sự tình đã trở nên phiền phức rồi.
Anh ta đi tìm tôi để báo thù mối oán hận từ kiếp trước, nhưng ngay sau đó lại chết đi, nếu lúc đố tôi mà đánh trả lại thì có thể đã đánh chết anh ta. Anh ta chết trên tay của tôi, tôi nhất định rồi sẽ bị báo quan đền mạng, rồi sớm muộn cũng bị treo cổ ở pháp trường”.
Khổng Tử từng nói: “Răng bởi vì cứng nên mới dễ dàng bị gãy, đầu lưỡi bởi vì mềm nên mới dễ dàng được bảo tồn. Mềm mại nhất định sẽ thắng cương cường, những thứ nhỏ yếu cũng có thể thắng được những thứ hùng mạnh. Thích tranh đấu nhất định sẽ bị tổn thương, muốn khoe cái dũng thì sẽ bị diệt vong. Thái độ cơ bản khi làm các việc là: Nhường nhịn là tốt nhất”.
Mọi người gặp phải chuyện gì thì cũng không phải là ngẫu nhiên, không phải vô duyên vô cớ mà phát sinh. Nếu như gặp phải tình huống ngang ngược, thì rất có thể là kiếp trước bạn đã từng làm tổn thương người ta.
Cho nên, khi gặp phải những người cố tình gây rối, nếu như có thể nhẫn nhục và né tránh một chút, rất có thể sẽ tránh được tai họa giống như Từ Thụ Thiên ở trên. Bằng không thì oan oan tương báo, biết khi nào mới có thể chấm dứt?
Chân Chân biên dịch