Gần 600 nông dân Ấn Độ tự tử vì chính phủ không hỗ trợ thiệt hại do hạn hán
Từ đầu năm 2015 đến nay đã có gần 600 nông dân Ấn Độ tự tử vì hạn hán gây thiệt hại nghiêm trọng mà Thủ tướng Narendra Modi lại không thực thi bất kỳ biện pháp nào để hỗ trợ nông dân.
Ấn Độ đang hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng khiến cây trồng khô héo và mực nước ở các hồ chứa xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây.
Điều đáng nói là chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi lại không tiến hành bất kỳ cuộc họp nào để thảo luận biện pháp cứu trợ nông dân bị ảnh hưởng kể từ tháng 6, thậm chí khi cơ quan dự báo thời tiết đã cảnh báo mùa mưa năm nay rất ngắn. 15 tháng sau khi lên nắm quyền, ông Modi bị chỉ trích dữ dội vì không giúp được nông dân Ấn Độ cải thiện cuộc sống.
“Toàn bộ bộ máy chính phủ đã trở nên tự mãn. Họ đã không thực hiện bất kỳ biện pháp phòng chống nào bất chấp thời tiết trở nên khô hạn sau đợt mưa hồi tháng 6”, ông Ashok Gulati, một nhà kinh tế nông nghiệp, phàn nàn với hãng tin Reuters.
Tại các ngôi làng ở bang Maharashtra, không khó để bắt gặp hình ảnh cỏ dại phát triển dày đặc trên các cánh đồng mía và đậu nành trong khi lũ chuột phá hoại những cánh đồng lúa. Lo sợ nguy cơ bị mất mùa lần nữa, nông dân ở đây nói rằng họ đã mất niềm tin vào ông Modi.
Ông Nanasaheb Patil, 32 tuổi, một nông dân trồng lúa ở làng Bamnoli, bức xúc: “Ông Modi chỉ nói suông. Kể từ khi ông ấy lên nắm quyền, tình hình vẫn không có gì thay đổi”. Ông Patil đã không nhận được trợ cấp của chính phủ khi mưa trái mùa gây thiệt hại cho cánh đồng của mình hồi đầu năm 2015.
Đối với khoảng 200 triệu nông dân ở Ấn Độ, số phận một vụ mùa có thể quyết định sự sống còn của họ, nhất là những người đi vay tiền để làm nông. Số vụ nông dân tự sát đang tăng lên tại những địa phương bị hạn hán. Cá biệt, khu vực Marathwada thuộc bang Maharashtra ghi nhận gần 600 nông dân tự sát từ đầu năm 2015 đến nay.
Trong một vụ việc gây chấn động dư luận, bà Manisha Gatkal, một nông dân 40 tuổi ở vùng Marathwada, đã tự thiêu vào tuần rồi vì không thể nuôi nổi 5 con nhỏ do ảnh hưởng từ hạn hán. “Chúng tôi thật sự rất nghèo. Tôi không có gì để làm. Khi tôi có chuyện đi ra ngoài, cô ấy đã đóng cửa và tự sát”, chồng của bà Gatkal nói. Một người thân của phụ nữ này cho biết, gia đình bà chỉ được chính quyền địa phương trợ cấp 18 kg lúa mì và 12 kg gạo mỗi tháng, quá ít so với 7 miệng ăn.
Theo thống kê, 4 huyện bị hạn hán nặng nhất ở bang Maharashtra là Beed, Latur, Osmanabad và Parbhani. Tại huyện Beed, số nông dân tự sát được ghi nhận trong năm 2015 lên đến 177 trường hợp, trong đó chỉ tính riêng tháng 8 đã có 105 vụ. Khoảng 98 vụ tự tử đã xảy ra tại huyện Osmanabad, 61 vụ ở huyện Latur và 41 vụ ở huyện Parbhani.
Theo Người Lao Động