Đôi vợ chồng ở nhà thuê nhưng vẫn tất bật nấu 200 suất cơm miễn phí cho người nghèo
Anh Sáng nói: “Mình đã từng trải qua khổ sở, khó khăn nên rất thương bà con có hoàn cảnh. Tôi cùng vợ nấu cơm phát miễn phí với mong muốn có thể góp phần nhỏ vơi bớt gánh nặng cho họ. Tôi làm việc này vì cái tâm thiện nguyện của mình”.
Báo VietNamNet mới đây đã có bài viết về quán cơm từ thiện ở bên cầu Kinh Cụt, phường 1, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) của vợ chồng anh Lâm Văn Sáng (48 tuổi) và chị Ngô Ngọc Thảo (43 tuổi).
Nhờ tấm lòng của 2 vợ chồng anh Sáng chị Ngọc mà mỗi ngày, hàng trăm người lao động nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được ăn no miễn phí.
Quán cơm của vợ chồng anh Sáng là một căn nhà làm bằng tôn, bên trong để một bộ bàn dài cho người ngồi ăn cơm, trước cửa có ghi “Cơm từ thiện. Quần áo từ thiện”. Mỗi ngày, quán phục vụ khoảng 200 suất ăn miễn phí.
Để có những bữa cơm ngon, sạch sẽ phục vụ người có hoàn cảnh khó khăn, mỗi buổi chiều anh Sáng đều chạy xe ra các chợ ở Cao Lãnh nhận rau củ quả, nhu yếu phẩm mà các tiểu thương ủng hộ. Hôm nào, các tiểu thương cho nhiều, anh mang tặng lại cho các bếp ăn từ thiện ở bệnh viện, chùa…
Mỗi ngày, chị Thảo dậy từ sớm nấu khoảng 20kg gạo rồi chế biến thức ăn. Đến tầm 10 giờ thì khoảng 200 suất ăn miễn phí đã sẵn sàng để người lao động nghèo có thể đến nhận bữa trưa.
Anh Nguyễn Văn Phụng (43 tuổi), một trong những người thường ăn cơm ở quán anh Sáng cho biết, anh có hoàn cảnh khó khăn, mang trong mình căn bệnh thoái hóa khớp háng không thể lao động nặng nhọc. Mỗi ngày anh chỉ có cách dựa vào việc bán vé số để mưu sinh. Tiền kiếm không đủ mua thuốc thang, may nhờ có vợ chồng anh Sáng mà anh Phụng đã đỡ khó khăn hơn nhiều. Ngày anh xin hai phần cơm cho buổi trưa và chiều, như vậy là đã tiết kiệm được 40.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Bé (60 tuổi) làm nghề nhặt ve chai chia sẻ, cơm của cô chú ở đây ngon lắm, trưa nào bà cũng ghé quán ăn, có những ngày mải việc nên đến trễ hết cơm thì vợ chồng anh Sáng lại đi nấu mì cho bà ăn miễn phí.
Hơn 10 năm trước, vợ chồng anh Sáng từ quê nhà Cần Thơ lên Đồng Tháp ở trọ, làm thuê. 5 năm sau, mặc dù vẫn ở trọ thuê nhưng vợ chồng anh đã bắt đầu đi làm từ thiện.
“Mình đã từng trải qua khổ sở, khó khăn nên rất thương bà con có hoàn cảnh. Tôi cùng vợ nấu cơm phát miễn phí với mong muốn có thể góp phần nhỏ vơi bớt gánh nặng cho họ. Tôi làm việc này vì cái tâm thiện nguyện của mình”, anh Sáng nói.
Những ngày đầu làm từ thiện, vợ chồng anh Sáng cũng gặp không ít lời dị nghị nhưng may được người thân động viên, cộng thêm sự quyết tâm và tấm lòng của mình nên vợ chồng anh vẫn kiên trì tới giờ.
Để bà con có chỗ ngồi ăn, anh Sáng đã thuê nhà mở quán với chi phí thuê là 3,5 triệu đồng/tháng.
“Vợ bán nước giải khát còn tôi làm nghề rửa xe máy, ngày nào đắt khách cũng được vài trăm nghìn. Hai vợ chồng tằn tiện để trả tiền thuê nhà, điện, nước và trích ra một phần để duy trì nấu cơm từ thiện. Hai đứa nhỏ vẫn còn đi học nhưng được các dì lo cho chi phí ăn học”, anh nói.
Ngoài nấu và phát cơm từ thiện cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng anh Sáng còn bố trí chỗ để quần, áo đã qua sử dụng để người khó khăn đến lựa, mang về mặc.
Khi thấy ở đâu có người nghèo, gặp khó khăn về nhà ở, anh đi vận động cất nhà tình thương. Những ngày rằm lớn, các mạnh thường quân ủng hộ gạo, nhu yếu phẩm, anh Sáng liên hệ với chính quyền xin địa chỉ người nghèo để tặng quà.
Vợ chồng anh tâm niệm rằng chỉ cần cuộc sống không muộn phiền, không toan tính và giúp ích được cho đời là hạnh phúc rồi.
“Tôi không uống cà phê, rượu bia hay thuốc lá nên cuộc sống khá đơn giản. Hằng ngày, xong việc gia đình, tôi đóng cửa sớm để nghỉ ngơi. Vợ chồng tôi tâm niệm chỉ cần cuộc sống không muộn phiền, không toan tính, giúp ích được cho đời là hạnh phúc rồi”, anh Sáng chia sẻ.
Yên Yên (t/h)