Đọc 6 đại dự ngôn sau, bạn sẽ nhận ra lịch sử chỉ là 1 vở kịch
6 đại dự ngôn dưới đây được lưu truyền trong lịch sử, dự đoán chính xác phi thường khiến người ta không khỏi hoài nghi rằng, lịch sử đều chỉ là vở kịch theo đó diễn mà thôi.
Trong suốt chiều dài lịch sử 5.000 năm của Trung Hoa, những bậc hiền giả thánh nhân nhiều không đếm xuể, năng nhân dị sĩ càng không sao kể hết.
Dưới đây là 6 nhân vật truyền kỳ, không chỉ học vấn uyên bác, tài trí hơn người, điều quan trọng hơn chính là: những người này đều có khả năng “việc chưa xảy đến nhưng đã biết trước rồi”, những dự ngôn nổi tiếng được đưa ra đều nhất nhất ứng nghiệm.
1. “Thiêu Bính Ca” (Bài ca bánh nướng) của Lưu Bá Ôn
Tương truyền rằng, một buổi sáng nào đó của năm 1368 (dương lịch), Chu Nguyên Chương đang lúc dùng bữa, trong các món ăn có một cái bánh nướng. Sau khi ông vừa cắn một miếng, thái giám đến tâu rằng có Lưu Bá Ôn cầu kiến. Chu Nguyên Chương đột nhiên nghĩ đến việc Lưu Bá Ôn đã giúp ông giành giang sơn, lại liên tục dụng binh như thần, chế định sách lược, liền muốn thử ông ta một chút.
Thế là liền giấu chiếc bánh nướng đã cắn một miếng kia vào dưới cái bát, rồi mới truyền mời Lưu Bá Ôn vào gặp. Sau khi đợi Lưu Bá ôn ngồi vào chỗ của mình xong, Chu Nguyên Chương liền hỏi: “Tiên sinh tinh thông thuật số, vậy có biết trong chén là vật gì chăng?”. Lưu Bá Ôn sau khi bấm bấm tay liền đáp rằng: “Nửa như mặt trời, nửa như mặt trăng, từng bị Kim Long cắn một miếng, đây là cái bánh nướng”.
Chu Nguyên Chương lớn tiếng khen ông là thần nhân. Về sau, Chu Nguyên Chương lại lần nữa hỏi Lưu Bá Ôn các việc đại sự trong thiên hạ, Lưu Bá ôn lần lượt đưa ra các lời tiên tri. Tuy nhiên điều khiến người ta kinh ngạc không thôi chính là, những dự ngôn liên quan đến giang sơn khi ấy của Lưu Bá Ôn về sau đều đã nhất nhất ứng nghiệm.
2. Quỷ Cốc Tử dựa vào hai đóa hoa đoán biết Bàng Quyên và Tôn Tẫn
Quỷ Cốc Tử là thủy tổ của Tung Hoành Gia (1 trong 9 dòng phái học thuật – Cửu Lưu), Tôn Tẫn và Bàng Quyên là hai người học trò đắc ý của ông. Theo những gì được viết trong tiểu thuyết diễn nghĩa, Quỷ Cốc Tử là người thông hiểu mọi lẽ trong trời đất, học vấn không mấy người theo kịp. Trong đó: Số học, nhật nguyệt tượng vĩ đều nắm rõ trong lòng bàn tay, xem việc trước đoán việc sau, lời nào cũng đều linh nghiệm; binh học, lục thao tam lược, biến hóa khôn cùng, bày trận hành binh, quỷ thần không biết; nhớ rộng nghe nhiều, hiểu rõ lý thế, buông lời hùng biện, muôn miệng không địch nổi; tu chân dưỡng tính, luyện thuốc nuôi mình, không ốm không chết, đắc đạo thành tiên.
Quỷ Cốc Tử dựa vào cây hoa Mã Đấu Linh mà Bàng Quyên nhổ về để đoán trước ngày Bàng Quyên trở nên phú quý, rồi dựa vào địa điểm cây này ở Quỷ Cốc, thấy ánh mặt trời thì sẽ héo tàn, từ đó đoán định nơi thành công của Bàng Quyên là nước Ngụy.
Quỷ Cốc Tử lại dựa vào hoa cúc vàng mà Tôn Tẫn hái về, nói: “Cành hoa này đã bị bẻ, không được hoàn hảo, nhưng tính chịu được rét, tuyết sương dầu dãi cũng không rụng, dẫu có bị tàn sát cũng không hề gì. Khi cắm vào bình, người đều quí trọng, mà cái bình ấy lại là vàng đúc nên, thuộc loài chung đỉnh, chắc rồi sẽ được danh tiếng lẫy lừng. Nhưng loài hoa này qua hai lần cất nhắc rồi mới cắm vào bình, vậy sự nghiệp của ngươi nhất thời chưa thể đắc ý được, mà kết cục sẽ thành công ở ngay trên quê hương mình”.
Không lâu sau thì những dự ngôn này của Quỷ Cốc Tử từng cái từng cái đều ứng nghiệm chuẩn xác. Người ta cho rằng, khả năng của Quỷ Cốc Tử là được lập trên cơ sở học rộng tài cao của ông.
3. “Càn Khôn Vạn Niên Ca” của Khương tử Nha
Mặc dù “Càn Khôn Vạn Niên Ca” của Khương Tử Nha không được mọi người biết đến nhiều như vậy, nhưng nó lại dự đoán chính xác thời vận đổi dời trong suốt 5.000 năm lịch sử Trung Hoa. Nó là một quyển sách tiên tri lớn về Trung Quốc, rất nhiều sự kiện lớn xảy ra trong lịch sử, lần lượt đều được đề cập đến một cách chính xác.
4. “Thôi Bối Đồ”
Nói Thôi bối đồ là bộ “Trung Hoa đệ nhất kỳ thư” cũng không quá chút nào.
Tương truyền rằng, Thôi bố đồ là Đường Thái Tông Lý Thế Dân vì để suy đoán quốc vận Đại Đường, đã cho mời hai nhà tướng số đoán mệnh nổi tiếng thời bấy giờ là Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang đến đưa ra lời tiên đoán. Nhưng không ngờ Lý Thuần Phong khi tiên đoán thì không thể thu dừng lại được, cuối cùng đã suy đoán vận mệnh của Trung Quốc đến hơn năm 2.000 từ sau triều đại nhà Đường. Mãi đến khi Viên Thiên Cang đẩy lưng của ông, nói rằng: “Thiên cơ không thể tiết lộ thêm nữa, trở về nghỉ ngơi đi thôi”, vậy nên quyển sách này được gọi là “Thôi Bối Đồ” (ý là đẩy lưng).
Cuốn sách này về sau vì bị cho là có dính líu đến “tà ngôn mê hoặc đại chúng”, nên ở ba triều Tống, Nguyên, Minh đều bị cấm thư không cho người ta xem. Nhưng sự tiên tri chuẩn xác đối với đời sau đều khiến người ta không khỏi hoài nghi rằng lịch sử phải chăng chỉ là một vở kịch được trình diễn theo “kịch bản” trong quyển sách này.
5. Viên Thiên Cang đoán trước tương lai của Võ Tắc Thiên
Theo ghi chép trong “Tân Đường thư – Viên Thiên Cang truyện”, lúc ấy phụ thân của Võ Tắc Thiên là quan đô đốc Lợi Châu. Có một lần Viên Thiên Cang đi qua ngang phủ của ông, nhìn thấy phu nhân của ông liền nói nhà này ắt có quý tử. Thời đó Viên Thiên Cang đã là bậc thầy xem tướng đoán mệnh, thế là Viên Thiên Cang liền được mời vào trong phủ.
Trước hết hai người con trai Võ Nguyên Khánh, Võ Nguyên Sảng được dắt ra, Viên Thiên Cang khen hai người họ là con cháu nhà quyền quý. Tiếp đó ông lại nói tướng mặt cô con gái lớn của họ về sau sẽ là quý phu nhân, nhưng có chút khắc chồng.
Cuối cùng nhìn thấy Võ Tắc Thiên đang chập chững học đi, ông kinh ngạc vô cùng. Sau khi quan sát kỹ, ông nói đứa bé này mắt rồng cổ phượng, là tướng đại phú đại quý, nếu như là con trai, ắt là thiên tử. Về sau không ngoài dự đoán, Võ Tắc Thiên đã trở thành người nắm giữ thiên hạ, trở thành nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa.
6. “Thất Bộ Thi” (bài thơ bảy bước) của Tào Thực
“Chử đậu nhiên đậu ki. Đậu tại phủ trung khấp. Bản thị đồng căn sinh. Tương tiên hà thái cấp”. (Tạm dịch: Nấu đậu bằng dây đậu, đậu khóc ở trong nồi. Vốn sinh cùng một gốc, đốt nhau sao mà gấp). Tương truyền bài thơ này là do Tào Thực dưới sự bức ép của người anh mình là Tào Phi, trong bảy bước mà làm ra. Xem ra thì là một bài thơ đơn giản, nhưng kỳ thực nó là một bài thơ châm biếm thói đa nghi của Tào Phi, đoán chắc rằng thiên hạ của Tào gia sẽ bị người khác thay thế.
*****
6 đại dự ngôn truyền kỳ trong lịch sử Trung Hoa, chuẩn xác đến mức các sự việc diễn ra không thể nằm ngoài sự chi phối của nó. Tính chuẩn xác của 6 đại dự ngôn này khiến người đời vô cùng cảm phục, lại cũng khiến người ta hoài nghi: “Thế giới này phải chăng thật sự tồn tại một số quy luật để có thể đoán trước được vận mệnh tương lai”.
Tiểu Thiện, dịch từ ntdtv.com