Dịch Ebola nguy hiểm bùng phát trở lại tại Congo
Ngày 8/5, chính phủ CHDC Congo tuyên bố dịch bệnh Ebola nguy hiểm đã bùng phát trở lại sau khi xác nhận 2 trường hợp nhiễm bệnh ở tại tỉnh Bikoro, miền Bắc nước này, trong khi 17 trường hợp nghi nhiễm virus này đã tử vong.
Trong một thông báo được đưa ra hôm 8/5, chính phủ Congo cho biết Bộ Y tế đã thực hiện tất cả biện pháp cần thiết như phản ứng kịp thời và hiệu quả trong đợt dịch Ebola mới này.
Theo CNN, trong 5 tuần qua đã có 21 trường hợp nghi nhiễm virus Ebola, trong đó có 17 ca tử vong. Bệnh do virus Ebola rất nguy hiểm, gây tử vong cao ở người, với tỷ lệ tử vong lên đến hơn 90%.
“Chúng tôi sẽ thu thập mẫu thử, tiến hành việc theo dõi, tham gia cộng đồng với các thông điệp về phòng ngừa và kiểm soát, và đưa ra các phương pháp để cải thiện việc thu thập và chia sẻ dữ liệu“, ông Matshidiso Moeti – Giám đốc WHO khu vực châu Phi cho biết.
Ông Matshidiso nói thêm, “WHO sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế và các cộng sự để hỗ trợ phản ứng quốc gia“.
Một nhóm địa phương tuộc Bộ Y tế đang làm việc tại Bikoro, quản lý các trường hợp lây nhiêm và tiến hành nghiên cứu. Hôm 9/5, một nhóm chuyên gia sẽ đi từ Kinshasa đến Bikoro với các thiết bị cần thiết.
Phát biểu thay mặt Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động và Nhà nước Lambert Matuku cho biết, đây là “một tình huống vệ sinh đáng lo ngại”.
Sau khi tìm hiểu về các trường hợp được xác nhận nhiễm virus Ebola, WHO cảnh báo các nước láng giềng và thiết lập Hệ thống Quản lý Sự cốđể cống hiến đầy đủ nhân viên và nguồn lực cho phản ứng quốc gia.
Với hy vọng ngăn chặn sự lây lanEbola đến các tỉnh và quốc gia xung quanh, WHO cũng đã trích 1 triệu USD từ một quỹ dự phòng để hỗ trợ các hoạt động của tổ chức trong 3 tháng tới.
Sự việc tại Congo đánh dấu lần bùng phát thứ 9 của dịch bệnh Ebola kể từ khi loại virus này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976. Lần bùng phát Ebola gần đây nhất diễn ra tại tỉnh Bas-Uele cũng vào thời gian này năm 2017.
Giai đoạn 2014-2015, đợt bùng phát dịch bệnh Ebola tại khu vực Tây Phi được coi là lớn nhất và phức tạp nhất, cướp đi sinh mạng gần 11.300 người trong tổng số hơn 18.000 trường hợp bệnh, đặc biệt là 3 quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone. Đại dịch này cơ bản được khống chế vào cuối năm 2015. Hiện chưa có vaccine phòng chống căn bệnh này.
Tú Văn