Đề xuất tạm dừng đóng BHXH đến hết năm 2020 vì dịch viêm phổi Vũ Hán
Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ngày càng phức tạp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã trình lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất tạm ngừng đóng BHXH, miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc từ tháng 3 này đến hết năm 2020.
Trao đổi với phóng viên hôm 20/3, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, vào ngày 18/3 Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt đề án gồm 6 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Vũ Hán.
Việc tạm ngừng đóng BHXH, miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc nằm trong nhóm 1 và nhóm 2 của 6 nhóm giải pháp được nêu ra, cụ thể:
Nhóm giải pháp thứ nhất là chính sách BHXH với đề xuất tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất.
Trước mắt sẽ tập trung vào 2 nhóm đối tượng:
- Người lao động bị ngừng việc, thôi việc
- Doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh từ 50% trở lên.
Thời hạn tạm dừng đóng BHXH áp dụng từ tháng 3/2020 đến hết tháng 12/2020.
Một điều đặc biệt là hiện Bộ đã đề xuất thêm với Thủ tướng Chính phủ mở rộng 2 nhóm đối tượng này. Theo đó, việc tạm dừng đóng BHXH sẽ áp dụng cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng 10% chứ không riêng doanh nghiệp bị ảnh hưởng 50%.
Theo ông Đào Ngọc Dung thì với đề xuất, ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu – 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này; và 150.000 – 200.000 doanh nghiệp với kinh phí từ 25.000 – 49.000 tỷ đồng.
Nhóm giải pháp thứ hai được Bộ đề xuất là việc miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do tác động của dịch bệnh Vũ Hán, thời gian cũng tính từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.
Cũng theo vị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH này thì hiện cả nước đang có khoảng 10,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, do đó số tiền tạm ngừng đóng sẽ tương đương 12.800 tỷ đồng.
Nhóm giải pháp thứ ba Bộ đưa ra là sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động;
Hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để giữ chân người lao động, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, để khi tình hình ổn định thì người lao động quay trở lại làm việc.
Nhóm giải pháp thứ tư là hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn hai việc.
Thứ nhất là hỗ trợ tiền để doanh nghiệp trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời, mục tiêu là để giữ chân người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bình ổn trở lại.
Thứ 2 là đề xuất nhà nước cho doanh nghiệp vay để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp người lao động phải thôi việc, mất việc.
Điểm đặc biệt ở đây là nhà nước hỗ trợ cho vay nhưng sẽ không tính lãi, khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì chỉ cần hoàn trả số tiền gốc.
Nhóm giải pháp thứ năm là chính sách tín dụng đối với người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác và hợp tác xã…
Đây là chính sách đề nghị cho các loại hình trên được vay vốn sản xuất, phục hồi cho sản xuất, hỗ trợ tìm nguyên liệu, vật liệu phụ liệu mới để tiếp tục tái tạo sản xuất, với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo (khoảng 3,96%).
Nhóm giải pháp thứ sáu là chính sách tạm hoãn đóng quỹ công đoàn cho các doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn theo đề xuất của nhiều nghiệp đoàn, tập đoàn.
Cũng theo dự báo của Bộ LĐ-TB&XH thì số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm sẽ vào khoảng 132.000-220.000 người nếu dịch được khống chế trong tháng 3 này và kinh tế bình ổn trở lại. Vào khoảng 440.000-880.000 người nếu dịch tiếp tục diễn biến như hiện tại. Và có thể lên tới 880.000-1,32 triệu người nếu dịch bùng phát.
Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm 75-85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên.
Vũ Tuấn (t/h)