ĐCSTQ dùng “Great Cannon” tấn công diễn đàn của người biểu tình Hồng Kông
Gần đây, diễn đàn thảo luận LIHKG của Hồng Kông đã gặp phải sự tấn công liên tục bởi “Great Cannon” (tên gọi một công cụ dùng để tấn công mạng của Trung Quốc) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Diễn đàn này là nơi để thảo luận những tin tức về phong trào phản đối dự luật dẫn độ của người biểu tình Hồng Kông, trước đây cũng từng bị Hacker của Trung Quốc tấn công.
Theo VOA, nhà nghiên cứu bảo mật tại Phòng thí nghiệm AT&T Alien Hoa Kỳ Chris Dorman cho biết, cuộc tấn công “Great Cannon” do ĐCSTQ phát động bắt đầu từ ngày 25/11. Vào ngày đó, kết quả bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông đã được công bố, phe dân chủ toàn thắng, còn phe kiến chế thân cộng lại thất bại thảm hại, tình hình bầu cử khiến cho cả Trung Nam Hải kinh ngạc, người dân Hồng Kông thì reo hò chúc mừng.
Trong báo cáo nghiên cứu của mình, Chris Dorman chỉ ra rằng, mục đích của đợt tấn công Great Cannon lần này là muốn triệt để đánh sập diễn đàn thảo luận LIHKG. Đây là diễn đàn mạng quan trọng để người dân Hồng Kông chia sẻ tin tức, phối hợp và tổ chức các cuộc biểu tình.
Dorman giới thiệu, vũ khí trực tuyến Great Cannon có thể chặn lưu lượng truy cập mạng nước ngoài đổ vào các trang web Trung Quốc, gắn mã độc và sau đó chuyển hướng nó đến trang web đích theo ý định của Bắc Kinh, sau đó đánh sập các dịch vụ của trang web.
Tuy nhiên, Chris Dorman cho hay, trước mắt ĐCSTQ khó có thể sử dụng phương pháp này để đạt được mục đích của mình, bởi vì LIHKG có một phương pháp mạnh mẽ để giảm thiểu các cuộc tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán), hơn nữa bản thân mã độc này cũng dễ bị tấn công.
Đây không phải là lần đầu tiên diễn đàn thảo luận LIHKG bị tấn công bởi Hacker của ĐCSTQ. Vào ngày 31/8, LIHKG không thể đăng nhập bình thường. Trang web thông báo rằng, máy chủ của họ đã gặp phải một cuộc tấn công DDoS quy mô lớn từ 8 giờ sáng ngày hôm đó, nhận được hơn 1,5 tỷ yêu cầu mạng trong một ngày, với tần suất tấn công cao nhất là 260 ngàn lượt mỗi giây.
“Cuộc tấn công này có quy mô lớn chưa từng thấy trước đây. Chúng tôi có lý do để tin rằng đây là một cuộc tấn công có tổ chức, thậm chí ở cấp quốc gia”, trang web LIHKG nói. “Người dùng báo cáo rằng một số cuộc tấn công đến từ các trang web của Trung Quốc”.
Sau khi LIHKG bị tấn công, cư dân mạng Hồng Kông lần lượt động viên LIHKG cố lên, bọn họ nói, “LIHKG cố lên, đứng vững nhé!”; “LIHKG cố lên, tân công mạng cấp quốc gia, thật vinh hạnh khi trở thành cái đinh trong mắt ĐCSTQ”.
“Đứng vững nhé! Ngày 31/8 sẽ vì bạn mà nổ phát pháo đầu tiên, lịch sử sẽ ghi chép thời khắc này! Những thứ còn lại giao cho chúng tôi giải quyết, bạn giữ được nền tảng này sẽ là công thần trong cuộc chiến này!”; “LIHKG trụ vững vào! Chúng tôi đều ủng hộ bạn!”.
Sau khi được các kỹ sư của LIHKG sửa chữa khẩn cấp, sử dụng CloudFlare để bảo vệ phiên bản web, ngăn chặn các cuộc tấn công DDoS, dịch vụ đã trở lại bình thường vào 10 giờ 45 phút sáng cùng ngày.
Ngày 31/8, Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền (CHRF) nộp đơn xin diễu hành “Giành quyền bầu cử, kêu gọi hủy bỏ Quyết định 831”, nhưng đã bị từ chối. Ngày hôm trước, tức ngày 30/8, chính phủ Hồng Kông đã bắt giữ một số nghị viên và người hoạt động phong trào xã hội, muốn đe dọa ngăn chặn người dân Hồng Kông.
Chính quyền ĐCSTQ và chính phủ Hồng Kông sở dĩ có động thái lớn như vậy, là vì vào ngày 31/8/2014, chính quyền ĐCSTQ đã thông qua “quyết định 831”, tước quyền bầu cử dân chủ của người Hồng Kông, dẫn đến Cách mạng ô dù năm đó (2014).
Mặc dù vậy, vào ngày 31/8/2019, người dân Hồng Kông vẫn tự phát xuống đường diễu hành phản đối. Để ngăn chặn dân chúng ra đường, chính phủ Hồng Kông đã phong tỏa nhà ga tàu điện ngầm và lối ra đường hầm phía Tây.
Diễn đàn thảo luận LIHKG đã hoạt động từ tháng 11/2016, trong hơn 6 tháng diễn ra phong trào phản đối dự luật dẫn độ, mọi người đã chia sẻ thông tin, khởi xướng các cuộc biểu tình thông qua nền tảng trực tuyến này. LIHKG nói rằng, họ đã bị tấn công mạng với nhiều mức độ khác nhau.
Phong trào phản đối dự luật dẫn độ lần này đã áp dụng phương pháp biểu tình như nước chảy “Be Water”, trong chiến dịch không có tổ chức hay nhà lãnh đạo, người dân Hồng Kông đã thông qua nền tảng Internet và phương tiện truyền thông xã hội để lan truyền thông tin, một người kêu gọi vạn người theo. Điều này khiến cho ĐCSTQ trở nên bối rối, muốn đàn áp nhưng lại không biết nhắm vào đâu.
Minh Huy (Theo NTDTV)