Đây là nguyên nhân nên rũ bỏ tâm trạng bực tức trước khi ngủ
Từ xưa người lớn vẫn thường bảo con cháu “đừng bao giờ đi ngủ khi đang giận dữ“, và mới đây lời khuyên này đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới khoa học.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng con người ít có khả năng giải quyết các luồng ký ức tiêu cực trong khi ngủ.
Thông thường thời gian ngủ sẽ là lúc bộ não kiểm soát lại các thông tin mà nó nhận được trong ngày và lưu trữ một số thông tin nhất định vào bộ nhớ. Phát hiện mới đây cho thấy, giấc ngủ có tác dụng củng cố những ký ức gây ấn tượng mạnh lên não bộ, kể cả những điều tiêu cực mà chúng ta không muốn nhớ lại.
Vì vậy, mọi người nên cố gắng giải quyết các mâu thuẫn trước khi đi ngủ và không mang sự bực tức vào giấc ngủ, Yunzhe Liu nghiên cứu sinh tại bộ môn khoa học thần kinh, Đại học London cho biết.
Để tiến hành thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã cho 73 người đàn ông ở Anh xem lần lượt các bức ảnh chân dung của 26 người mà họ không quen biết. Bức ảnh về những người xa lạ sẽ không mang cho họ bất kỳ cảm xúc tích cực hay tiêu cực nào, nhưng trạng thái mỗi người trong các bức ảnh này sẽ được kết hợp với một số hình ảnh khó chịu, chẳng hạn như xác chết, đứa trẻ đang khóc hoặc 1 người bị thương.
Các nhà nghiên cứu cho những người tham gia xem các hình ảnh 2 lần, sau đó yêu cầu họ cố gắng quên đi ký ức về những hình ảnh khó chịu kia. Kết quả là 9% số người tham gia thử nghiệm đã quên được các hình ảnh tiêu cực đó.
Các nhà nghiên cứu tiếp tục lặp lại thử nghiệm trong ngày hôm sau, sau khi những người tham gia được ngủ trọn vẹn 1 đêm. Kết quả cho thấy, những người tham gia thử nghiệm đợt 2 đã khó quên đi những hình ảnh tiêu cực hơn so với lần trước. Cụ thể chỉ có 3 % người tham gia quên được các hình ảnh đó.
Kết quả này gợi ý rằng giấc ngủ có thể khiến con người trở nên khó quên đi những điều bản thân không muốn nhớ, các nhà nghiên cứu cho biết.
Bên cạnh thử nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu cũng thực hiện các xét nghiệm não bộ cho những người tham gia thử nghiệm, so sánh hoạt động não bộ của họ trước và sau khi ngủ.
Có một điều thú vị là đối với những người có thể quên đi những hình ảnh khó chịu kia, vùng hồi hải mã – trung tâm ký ức của bộ não, là nơi hoạt động tích cực nhất trong việc xóa bỏ ký ức. Nhưng bất ngờ là sau khi ngủ dậy một đêm, các khu vực khác của não bộ cũng được đưa về trạng thái rất tốt, theo nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Một hạn chế của nghiên cứu là nó chỉ mới được thực hiện ở nam giới. Liu nói với Live Science rằng, các cơ chế ức chế bộ nhớ trước và sau khi ngủ có thể hoạt động theo cách tương tự ở nữ giới, nhưng vẫn cần có nhiều nghiên cứu khác để xác nhận điều này.
Hoàng An, theo Huffington Post