Đánh vỡ tượng Phật sinh bệnh lạ, kịp thời sửa lỗi bệnh tật tiêu
Làm người có thể không tu Phật nhưng nhất định phải kính Phật, đã có rất nhiều bài học trong lịch sử chỉ vì khinh nhờn Phật Pháp mà bị ác báo, nhưng nếu biết hối cải, bù đắp lại sai lầm thì có thể được bảo hộ.
Vào cuối những năm Vũ Đức (618-626) triều đại nhà Đường, có một người tên Khương Đằng Sinh mắc một chứng bệnh rất quái lạ. Ông ta từng tới Mông Sơn để chữa trị, nhưng qua nhiều năm vẫn không thấy thuyên giảm. Sau đó phải trở về nhà, toàn thân đều mưng mủ rất đau nhức, móng tay và móng chân đều đã bị rụng đi cả.
Một buổi tối, ông ta nằm mộng thấy một tượng đá màu trắng cao khoảng một mét nói với mình: “Ngươi gắn lại tay của ta, ta sẽ chữa cho ngươi được khỏi bệnh”.
Đến sáng hôm sau, Khương Đằng Sinh chợt nhớ ra vào năm đầu những năm Vũ Đức, trong lúc đuổi chim sẻ từng vào Phật đường của một thôn cổ và xé vài trang của cuốn Kinh Duy Ma Cật rồi cột vào đầu của cây gậy để đuổi chim.
Có người trông thấy, mới khuyên bảo ông ta rằng: “Xé rách Kinh Phật như thế mắc tội lớn lắm”.
Khương Đằng Sinh nghe xong không những không hối cải mà còn mắng người kia một cách thậm tệ. Lúc đó ông ta không sợ trời, không sợ đất, dương dương tự đắc, còn chạy vào trong Phật đường đấm đá vào tượng Phật, làm cho tay phải của tượng Phật bị đứt lìa ra.
Hôm nay, ông ta trong mộng thấy tượng đá trắng như vậy thì đúng là tượng Phật ở thôn cổ dạo trước. Thế là ông tranh thủ đến trước tượng Phật quỳ lạy, thành tâm thành ý ăn năn. Ông thuê thợ đá làm lại tay mới cho tượng Phật, cũng nhờ người sao chép 40 cuốn Kinh Phật, còn làm thêm một gian tịnh xá.
Cuối cùng chỉ trong vòng một năm, bệnh tình của ông ta đã khỏi. Người trong thôn đều gọi tượng Phật này là tượng Thánh, cả Phật đường và tượng Phật này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Cổ nhân thường dạy: “Trên đầu ba thước có thần linh”, “Người đang làm, Trời đang nhìn”, khinh nhờn Phật Pháp, làm chuyện xấu sẽ mang tới tai họa. Tuy nhiên, với cách giáo dục “vô thần luận” như hiện nay, rất nhiều đã người không còn tin vào nhân quả báo ứng, thậm chí còn buông lung bản thân, làm ra những việc khiến trời đất không dung thứ.
Đặc biệt vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc, hầu hết các thanh niên đều được khuyến khích phỉ báng Thần Phật bằng lời lẽ bất kính, hơn thế còn có hành động cực đoan như đập phá chùa chiền, tượng Phật, đốt kinh sách…và đã có nhiều nhân chứng kể lại rằng, không ít người phải chịu ác báo do phá tượng Phật, báo ứng hiện đời ngay lập tức.
Phật Pháp là từ bi nhưng cũng rất uy nghiêm, từ xưa đến nay “thiện ác hữu báo” là điều không ai có thể phủ nhận được. Lịch sử như một tấm gương, giúp hậu thế có thể nhìn vào đó mà rút ra bài học cho bản thân mình, cũng là cây gậy cảnh tỉnh cho những ai còn hành ác vô độ, phỉ báng Thần Phật, hủy hoại chùa chiền, lăng mạ người tu, báo ứng đang chờ đợi người này là vô cùng đáng sợ.
Tuy nhiên, ngã Phật từ bi, những ai nếu biết ăn năn hối cải, bỏ ác theo thiện, sửa sai những lỗi lầm của mình thì vẫn sẽ được chư Thần bảo hộ. Là chính hay tà chỉ cách nhau bởi một niệm, và kết quả tốt hay xấu cũng đều từ một niệm đó mà diễn hóa tạo thành.
Chân Chân