Danh gia Công Tôn Long và câu nói nổi tiếng “ngựa trắng không phải là ngựa”
Công Tôn Long là một trong những nhà biện luận nổi tiếng thời nhà Triệu. Ông là bậc hậu sinh so với Huệ Thi – một nhà triết học cổ đại Trung Quốc thuộc phái Danh gia, nhưng tầm hiểu biết của ông so với bậc tiền bối này không thua kém gì.
Khi người đời bàn về phái triết học Danh gia hay các biện giả, không thể không nhắc đến và ca tụng Công Tôn Long với các mệnh đề “Ly Kiên Bạch” hoặc “Bạch mã phi mã” (Ngựa trắng không phải là ngựa)… Nguồn gốc câu này bắt đầu từ chuyện Công Tôn Long muốn qua bên kia biên giới thì bị lính canh chặn lại. Công Tôn Long hỏi:
“Tại sao ngăn chặn ta?”
“Lối này cấm ngựa qua”
“Vậy thì ta qua được”.
“Tại sao lại qua được?”, lính canh hỏi.
“Ngựa ta trắng”
“Trắng hay đen nó cũng là ngựa”.
Công Tôn Long quắc mắt:
“Anh này có mắt không tròng… ngựa trắng đâu phải là ngựa”.
Nói xong Công Tôn Long ung dung dắt ngựa qua…
Công Tôn Long có cái nhìn khác hẳn với Huệ Thi, bởi Huệ Thi nhấn mạnh cái tính chất tương đối của vạn vật trong cái hiện thực ngựa trắng, ngựa ô, ngựa kim hay ngựa vằn cũng đều là ngựa, nhưng với Công Tôn Long thì không phải vậy.
Công Tôn Long bảo:
“Chính cái ‘danh’ gọi vốn là cái kết quả của sự phản ảnh về khái quát của những đặc tính chung nhất của muôn vật. Cái cụ thể đang tồn tại đó mới là cái tuyệt đối, chẳng những tuyệt đối không thôi mà là tuyệt đối vĩnh viễn”. Rồi ông nhấn mạnh: “Nó đâu có phụ thuộc vào các vật thể hay các hiện tượng mà nó phản ảnh đó?”.
Như vậy, đối với ông “Ngựa” và “Ngựa Trắng” là những thực thể riêng rẽ, hoàn toàn độc lập, chứ không thể xem như là một được. Nghĩa là nó vừa có thuộc tính, bản chất của con ngựa mà nó cũng vừa có cái đặc tính của một con ngựa cụ thể cá biệt thuần túy của nó.
Có người hỏi:
“Tại sao mà tách rời giữa cái trắng và con ngựa ra được? Ngựa nào cũng là ngựa, nó mang màu sắc gì thì gọi tên nó là vậy. Ví như Bạch Mã thì gọi là ngựa trắng, ngựa đen thì gọi ngựa ô, ngựa vàng thì gọi là ngựa kim v.v… Gọi như vậy há chẳng phải đúng hay sao?”
Công Tôn Long nói: “Đâu có vậy được. Người trước sai, người sau cũng sai nốt. ‘Ngựa’ là nói về về hình của nó. Có nghĩa là hình con ngựa. Chứ ai bảo nó là hình con vịt đâu? Còn trắng thì nói về cái màu sắc của nó. Nghĩ lại mà xem màu sắc đâu phải là hình? Vậy cho nên ‘Ngựa trắng không phải là ngựa'”.
Có một lần, Công Tôn Long ở trong nhà của Bình Nguyên Quân – nước Triệu, đến để bái kiến hậu nhân của Không Tử là Khổng Xuyên.
Khổng Xuyên nói với Công Tôn Long: “Ta từ lâu đã nghe nói đến đạo nghĩa cao thượng của ngài, rất có học vấn, ta rất muốn làm đệ tử ngài. Nhưng ta không đồng ý với quan điểm “bạch mã phi mã” của ngài, chỉ cần ngài chịu bỏ quan điểm này, ta sẽ làm đệ tử của ngài”.
Công Tôn Long vừa cười vừa nói: “Ngài nói sai rồi, ta cũng là bởi vì học thuyết ‘bạch mã phi mã’ mà nổi danh! Bây giờ bảo ta bỏ học thuyết này, vậy thì ta lấy gì để dạy đệ tử mình?
Ngài muốn bái ta làm thầy, nhất định là bởi vì trí thức và học thuật của ngài không bằng ta. Nhưng ngài lại muốn ta bỏ học thuyết của mình, vậy ngài đến để dạy trước, rồi sau đó mới bái ta làm thầy, đây không phải nhầm lẫn lớn rồi sao?”.
Công Tôn Long nói tiếp: “Ta có nghe được một câu chuyện như thế này, Sở vương đã từng dẫn theo quần thần đi săn ở Vân Mộng Trạch, ông dương cung tên, nhắm vào thú hoang bắn. Nhưng không biết sao, Sở vương lại làm mất cây cung của mình, các đại thần đều xin được đi tìm cung, nhưng Sở vương lại nói: ‘Không cần tìm lại. Người nước Sở ném cung đi, người nước Sở lại nhặt được, vậy thì cần gì phải tìm?’.
Sau khi Khổng Tử nghe được chuyện này, đã nói: ‘Nhân nghĩa của Sở Vương vẫn chưa làm đến tận cùng, đáng ra ông phải nói người ném đi cung, sẽ có người nhặt được, cần gì phải thêm từ nước Sở vào?’.
Có thể thấy, Khổng Tử nói người với người nước Sở là khác biệt, ngài cho rằng sự khác biệt này là đúng, nhưng lại nói sự khác biệt giữa ngựa trắng và ngựa của ta là sai, như vậy liệu có lý không?”.
Khổng Xuyên nghe xong không nói được lời nào.
Công Tôn Long lấy Khổng Tử, tiên nhân của Khổng Xuyên làm ví dụ, để chứng nhận cho tính chính xác của học thuyết “Bạch mã phi mã” của mình, quả thực là hết sức thuyết phục.
Lê Hiếu biên dịch