Đám tang chị lao công nghèo: Tài xế Grab và cả những người không quen cũng đến viếng
Chưa bao giờ có một đám tang nhiều người mặc đồng phục đến thế – đồng phục công nhân vệ sinh môi trường, đồng phục xe ôm công nghệ – những nghề nghiệp mà chị Hà phải lặn lội từ sáng sớm đến đêm khuya để nuôi con.
7h sáng 25/4, trước cửa chính Nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai bật lên tấm bảng cáo phó ghi tên bà Lê Thị Thu Hà. Trần Đức Anh và Trần Đức Hiếu, hai người con trai của nạn nhân đang mặc áo tang, đầu đeo khăn trắng, tay chống gậy đứng bên cạnh linh cữu của mẹ.
Đức Anh liên tục nhìn xuống đất, vẻ mặt thất thần. Nỗi đau mất mẹ hiện rõ trên khuôn mặt của chàng trai đang tuổi lớn.
“Em nhớ mẹ”, Đức Anh nói trong buổi tối trước ngày đưa tang mẹ.
Còn nhớ vào đêm 23/4, khi đang trong ca quét rác đêm trên đường Láng, bà Hà mãi mãi không bao giờ trở về nhà được nữa. Chiếc xế hộp được lái bởi một tài xế say xỉn đã tông trực diện vào chị và cướp đi sinh mạng của một người mẹ sống cả đời chỉ để kiếm tiền nuôi con.
Những nữ lao công đang làm cùng chị khi chứng kiến sự việc kinh hoàng hôm ấy cũng gào khóc thảm thiết. Chiếc xe chở rác bị ô tô điên cán nát vụn.
“Tôi đứng cách chị Hà khoảng 10m, nghe tiếng va đập tôi quay lại gọi chị Hà thất thanh nhưng không kịp nữa rồi, xe điên lao vào xe rác làm chị Hà bị văng ra xa khoảng 15m. Tôi ngất đi, khi tỉnh dậy thì chị Hà đã mất rồi. Tôi vẫn ám ảnh mấy ngày nay, cứ nhắm mắt là nhìn thấy chị Hà” – chị Thủy một đồng nghiệp chứng kiến vụ việc hôm ấy kể lại.
Đau lòng hơn là hình ảnh em Trần Đức Anh, ôm mặt gào khóc tại hiện trường khiến ai ai cũng không kìm được lòng.
Đến hôm nay trong đám tang của chị, chị nằm bình yên nơi chiếc quan tài, xung quanh là tiếng loa kèn, tiếng khóc ai oán vang vọng khắp tang lễ. Không khí lúc ấy bi thương hơn bao giờ hết khi đứng bên linh cữu chị, hai người con trai là Trần Đức Anh và Trần Đức Hiếu cả ngày chỉ biết khóc. Mắt Đức Anh đỏ hoe, cháu chẳng nói được gì, chỉ đưa đôi bàn tay run run ra nắm lấy tay của những người đến thắp cho mẹ một nén hương thay cho lời cảm ơn không thể nói.
Nhiều người bạn của chị cùng những người thân, hội chạy xe Grab cho tới những công nhân vệ sinh môi trường nơi chị Hà làm việc. Thậm chí có rất nhiều người không quen biết nhưng khi nghe thông tin về tang lễ của chị Hà cũng đã bớt chút thời gian đến để chia buồn cùng gia đình.
Chưa bao giờ thấy một đám tang lại đông những đồng phục của công nhân vệ sinh môi trường, đồng phục xe ôm công nghệ – những nghề nghiệp mà chị Hà làm việc như vậy.
Điển hình là ông Tạ Văn Hòa, 63 tuổi, một tài xế chạy xe Grab cũng là một trong số những người như vậy. Ông chưa từng biết chị Hà, chưa từng nghe ai nói về chị ấy đến trước ngày 23/4 và hôm nay, 25/4, ông Hòa đến viếng chị.
“Đạo lý làm người phải thế, nghe chuyện chị ấy là tôi biết mình phải đến đây, hoàn cảnh của chị ấy đáng thương quá…”– ông Hòa rưng rưng nói.
Tất cả… đều không cầm được nước mắt. Trong tiềm thức những đồng nghiệp, chị Hà là người hiền lành, chịu thương chịu khó. Ngày thì chị đi chạy Grab, tối thì đi làm công nhân quét rác để kiếm tiền chăm lo cho hai con trai ăn học nên người, cùng người mẹ già đã ốm yếu.
Theo một số đồng nghiệp chạy xe Grab của chị cho biết, chị Hà là người vui tính, chịu thương chịu khó. Dù cuộc sống gia đình khó khăn nhưng chị không bao giờ kêu ca với ai.
“Chúng tôi làm nghề này ai cũng thương chị ấy, khi biết chị ấy đêm làm công nhân quét rác, ngày chạy xe ôm Grab cuộc sống vẫn khốn khó chúng tôi ai ai cũng cảm phục. Thương chị ấy quá chưa được sống cuộc sống trọn vẹn an nhàn ngày nào đã xảy ra cơ sự đau lòng này”, anh Tuấn, tài xế Grab chia sẻ.
Bản thân chị Hà cũng nhiều bệnh như u tuyến giáp, lao phổi. Hai tháng trước, chị Hà cũng được chỉ định vào viện điều trị xơ gan, nhưng chị lại bỏ viện về vì không có tiền. Bệnh tật là vậy nhưng có ngày chị Hà làm việc 22/24 giờ, từ 5h sáng hôm trước đến gần sáng hôm sau, làm thông 2 ca rưỡi để được nhận 660.000 đồng.
Sợ người thân lo lắng chị giấu nhẹm đi không cho ai biết. Và cũng cái đêm định mệnh ấy đã cướp đi mạng sống của chị, gói thuốc giang dở chị vẫn còn chưa kịp uống.
Nỗi lo lắng nhất của chị khi ra đi, có lẽ là cho hai đứa con trai của chị được ăn học tử tế, cả đời chị vất vả làm việc cũng chỉ để hai anh em sau này thành tài, có được cuộc sống tốt đẹp hơn mình bây giờ.
Điều an ủi nhất đối với linh hồn chị, có lẽ là việc có nhiều ‘Mạnh Thường Quân’ đã đến thăm hỏi, hỗ trợ cho hoàn cảnh của gia đình:, trường THPT Lương Thế Vinh sẵn sàng đón Đức Anh vào học, có người mang đến xe đạp, có người mang đến tiền, quà, mong sao hai em được học hành nên người, không phụ lòng những vất vả và hy sinh bấy lâu của mẹ…
Anh Thư (t/h)
Xem thêm: