Đại tá Trung Quốc: Ấn Độ phải rút quân, không thì chiến tranh!
Một quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc hôm 2/8 đã thẳng thừng cảnh báo trên sóng truyền hình rằng Ấn Độ phải rút quân khỏi cao nguyên Doklam nếu không muốn chiến tranh xảy ra.
Cảnh báo trên được Đại tá Chu Ba (Zhou Bo), giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh Quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đưa ra hôm 2/8 trong một cuộc tranh luận “nảy lửa” với nhà bình luận quân sự, cựu Thiếu tướng lục quân Ấn Độ Ashok Mehta trên CGTN – phiên bản tiếng Anh của đài truyền hình trung ương Trung Quốc.
Cụ thể, trong khi ông Mehta đang chỉ trích rằng truyền thông Trung Quốc đang sử dụng những ngôn từ mang tính hung hăng và thù hằn để đe dọa và lôi kéo Ấn Độ vào một cuộc xung đột vũ trang ở khu vực Doklam/Donglang, vị đại tá Trung Quốc đã cắt ngang.
“Đủ rồi, ông đang nói quá nhiều. Tôi không nghĩ đây là cách tốt để bắt đầu một cuộc nói chuyện. Cho tôi vài giây để nói thôi, các ông đang ở trên đất của Trung Quốc. Nếu các ông không muốn chiến tranh, điều đó ổn thôi, nhưng các ông phải rút khỏi lãnh thổ của Trung Quốc“, ông Chu Ba nói.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tranh cãi giữa hai phía Trung Quốc và Ấn Độ về khu vực Doklam/Donglang. Thời gian gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng leo thang với những cáo buộc qua lại giữa hai nước cùng những lần động binh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/8 đã phát đi thông cáo tố Ấn Độ đang tập trung quân về Doklam/Donglang. Bắc Kinh khẳng định New Delhi không những đưa quân, mà còn “tu sửa đường sá, tích trữ quân nhu” ngay sát khu vực đối đầu, theo hãng tin Reuters.
“Đã gần một tháng kể từ sự cố ở biên giới, Ấn Độ không chỉ đang hiện diện phi pháp trên lãnh thổ Trung Quốc mà còn tập trung một lượng lớn binh sĩ có vũ trang. Đây chắc chắn không phải vì hòa bình!” – Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố riêng rẽ sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh đã cho thấy thiện chí và sự kiềm chế tối đa, nhưng “sẽ có giới hạn cuối cùng cho việc đó”.
“Đừng nước nào đánh giá thấp năng lực và sự tự tin của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ hòa bình, cũng như coi thường quyết tâm bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của Trung Quốc“, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định.
Đáp lại, tối cùng ngày 3/8, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã phủ nhận các cáo buộc của Trung Quốc, thúc giục đối thoại với Bắc Kinh dựa trên bản ghi nhớ về khu vực biên giới đạt được năm 2012. Theo bà Swaraj, New Delhi vẫn duy trì tinh thần giải quyết vấn đề bằng ngoại giao với Bắc Kinh.
Video được cho là cảnh quân đội Trung Quốc và Ấn Độ chạm mặt ở khu vực Doklam/Donglang hồi tháng 7. Máy quay phim và chụp hình luôn giơ cao, sẵn sàng chụp các hành động để làm bằng chứng bên kia gây hấn trước.
Theo các quan chức Ấn Độ, hiện có khoảng 150 binh sĩ mỗi bên đang đối mặt nhau ở khu vực Doklam/Donglang. Tình trạng này đã diễn ra kể từ giữa tháng 6 vừa qua quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào khu vực nói trên để xây dựng các công trình giao thông. Doklam/Donglang là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan nhưng nằm gần bang Sikkim của Ấn Độ, được xem là ngã ba biên giới ba nước.
Phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc. Trước yêu cầu nay, các binh sĩ Ấn Độ đã được triển khai tới khu vực tranh chấp và đối mặt với quân đội Trung Quốc trong tình trạng hai bên không vũ trang.
Trung Quốc cho rằng New Delhi phải rút quân vô điều kiện và ngay lập tức khỏi Doklam để giải quyết tình trạng đối đầu. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj hồi tháng trước thì tuyên bố điều kiện cho bất cứ cuộc đàm phán nào là cả hai bên đều phải cùng rút quân.
TinhHoa tổng hợp