Đại sứ Trung Quốc ‘đứng hình’ trước câu hỏi tại sao nhiều người bị bịt mắt và dồn lên tàu?
Vào ngày 19/7, trong cuộc phỏng vấn với BBC, Đại sứ Trung Quốc tại Anh là Lưu Hiểu Minh đã ‘đứng hình’ khi được hỏi về một video quay cảnh người Duy Ngô Nhĩ bị bịt mắt, quỳ gối, và đưa lên tàu… Trong cuộc phỏng vấn, Phóng viên Andrew Marr cũng đề cập đến chương trình triệt sản đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ.
Phóng viên BBC Andrew Marr bắt đầu: “Chúng ta hãy xem một vài cảnh quay rất đáng lo ngại hiện đang được chia sẻ rộng rãi trên toàn thế giới mà máy bay không người lái thu được. Cảnh quay này, gần như chắc chắn, là ở phía bắc Trung Quốc, ở Tân Cương. Ông (Lưu Hiểu Minh) có thể cho chúng tôi biết những gì đang xảy ra ở đây không?”.
#Marr asks Chinese ambassador to the UK Liu Xiaoming to explain footage from China of handcuffed and blindfolded detained peoplehttps://t.co/PkjcTsClEX pic.twitter.com/RSbrSaOAPT
— BBC Politics (@BBCPolitics) July 19, 2020
Sau 6 giây ‘đứng hình’, Lưu Hiểu Minh trả lời: “Tôi không thể thấy rõ video này”.
Đại sứ Trung Quốc bắt đầu ‘lòng vòng’ và hỏi người dẫn chương trình: “Ông đã bao giờ đến Tân Cương chưa?”.
“Chưa, tôi chưa bao giờ đến”, ông Andrew Marr trả lời.
Không dừng lại tại đó, Đại sứ Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang ‘tuyên truyền’ về một Tân Cương tốt đẹp. Họ Lưu nói: “Tân Cương được coi là nơi đẹp nhất ở Trung Quốc” trong khi ngay trước mắt ông ta là một video về tội ác phản nhân loại của chính quyền Bắc Kinh.
Phóng viên Andrew Marr cắt ngang, chỉ vào video và hỏi: “Đó không phải là những hình ảnh đẹp phải không ạ?”.
Câu hỏi của phóng viên BBC đã khiến họ Lưu lúng túng và nói lắp, vì lúng túng nên đã ‘đi quá xa’, và bắt đầu lại quay về những năm 1990: “Ông biết không, Tân Cương …(đứng hình).. đó chính là điều tôi muốn nói với ông. Kể từ năm 1990, Tân Cương đã thay đổi hoàn toàn vì có hàng nghìn cuộc tấn công khủng bố”.
Người dẫn chương trình BBC lần nữa cắt ngang và tiếp tục hỏi: “Đó là chuyện của 10 năm trước. Tôi có thể hỏi ông tại sao người dân lại quỳ gối, bị bịt mắt, cạo râu và bị dẫn lên các chuyến tàu – đã được đưa sẵn tới miền bắc Trung Quốc? Chuyện gì đang xảy ra ở đó?”.
“Tôi không biết ông lấy băng video này ở đâu ra. Đôi khi có sự di chuyển tù nhân ở các nhà tù”, họ Lưu tiếp tục trốn tránh câu hỏi của phóng viên BBC.
Ông Andrew Marr tiếp tục nhấn mạnh: “Những hình ảnh này đã được chia sẻ trên khắp thế giới. Chúng đã được kiểm chứng bởi các cơ quan tình báo phương Tây, và các chuyên gia Úc. Họ nói đây là người Duy Ngô Nhĩ bị tống lên tàu và đưa đi”.
Phóng viên BBC cũng chỉ ra rằng:
“Đã có một chương trình về việc triệt sản bắt buộc đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ và chuyện đó đã xảy ra từ lâu. Có những người đã rời khỏi Trung Quốc và tiết lộ chuyện đó”;
“Theo thống kê của chính quyền địa phương của các ông [Lưu Hiểu Minh], mức tăng dân số của người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực đó đã giảm 84% từ năm 2015 đến 2018”.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc bác bỏ sự tồn tại của các trại cải tạo cũng như các cáo buộc ngược đãi, thậm chí, còn khẳng định người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp là tự nguyện.
Vào ngày 20/7, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 11 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì nghi ngờ vi phạm nhân quyền, liên quan tới cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Lương Phong(t/h)