Đà Nẵng: Đào tạo ngoại ngữ cho công an phòng chống tội phạm nước ngoài
Khoảng 2500 nhân sự trong ngành công an Đà Nẵng sẽ được đào tạo ngoại ngữ để đối mặt với tình hình tội phạm nước ngoài ngày một phức tạp hơn tại tỉnh này.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký quyết định ban hành kế hoạch nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ nhân sự thuộc Công an TP Đà Nẵng. Theo đó, Công an TP Đà Nẵng và Trường ĐH Ngoại ngữ (thuộc ĐH Đà Nẵng) vừa ký văn bản ghi nhớ về việc đào tạo ngoại ngữ cho các cá nhân thuộc chương trình này trong vòng 10 năm tới với ba thứ tiếng là Anh, Trung và Hàn.
Được biết, chỉ trong năm 2019, người nước ngoài đến Đà Nẵng đã cán mốc 3.7 triệu lượt, tăng hơn 37% so với năm 2018, chủ yếu là người Hàn Quốc (50%) và Trung Quốc (chiếm 19%). Kéo theo đó là sự gia tăng các hành vi vi phạm của tội phạm nước ngoài, với thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn tr tình trạng người nước ngoài đến ăn xin, trốn truy nã, trốn thuế…
Thống kê năm 2019 cho thấy TP Đà Nẵng phát hiện gần 700 người nước ngoài vi phạm pháp luật, tổng số tiền xử phạt hơn 7,2 tỉ đồng. Đặc biệt, có 245 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép thuê nhà, mua sắm thiết bị để mở các trang quảng cáo bán hàng, mời chào mua cổ phiếu,… mà chưa được cấp phép. Thậm chí nhiều nhóm người tổ chức, lôi kéo đánh bạc qua mạng.
Ngoài ra, Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho hay tình trạng người nước ngoài vi phạm luật giao thông nhưng lại cố ý dùng ngôn ngữ bản xứ khiến cho CSGT khó giải thích, lập biên bản vi phạm cũng xảy ra thường xuyên.
Trước thực tế này, TP Đà Nẵng đã có kế hoạch nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chương trình đào tạo 10 năm sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 2020-2024 sẽ có 48 lớp, giai đoạn 2 từ năm 2025-2030 có 36 lớp được tổ chức. Kinh phí tài trợ cho chương trình là hơn 14 tỉ đồng.
Theo đó, năm 2020 sẽ có 10 lớp đào tạo tiếng Trung, Hàn; hai lớp tiếng Anh được tổ chức, mỗi lớp sẽ có 30 học viên. Mục tiêu đào tạo là đến năm 2021 có 50% và năm 2024 có 100% nhân sự ở các đơn vị thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ.
Từ Thức (t/h)