Cụ bà 70 tuổi cặm cụi nấu cơm tặng người nghèo, ngày chỉ ngủ 3 tiếng
Cụ bà 70 tuổi cùng chồng mỗi ngày đều cặm cụi trong căn bếp nhỏ để nấu những hộp cơm thật ngon dành tặng bà con khó khăn mùa dịch. Dù ngày chỉ được ngủ có 3 tiếng nhưng cụ lại thấy rất vui.
Quán cơm 0 đồng giữa những ngày dịch
Trong đợt dịch bệnh, Sài Gòn thực hiện giãn cách xã hội suốt bao tháng trời, đó cũng là khoảng thời gian mà bà Nguyễn Thị My (70 tuổi) cùng chồng là ông Trần Văn Hồng (86 tuổi) thực hiện dự án cơm chay 0 đồng tặng bà con khó khăn tại số nhà 207 đường Nguyễn Văn Đậu.
Mỗi ngày công việc của ông bà thường bắt đầu từ tờ mờ sáng và kết thúc vào đêm khuya, tuy mệt, vất vả nhưng lúc nào căn trọ nhỏ của vợ chồng bà My cũng đầy ắp tiếng cười.
Khoảng 1 tuần nay, tiệm cơm của ông bà bất ngờ đắt khách, người dân khó khăn kéo đến nhận cơm nườm nượp, người lấy 1 phần, người xin 2 hộp, có người đại diện cho cả xóm trọ nhận 10 phần đem về chia nhau.
Chẳng là vài ngày trước có người đi ngang thấy bàn cơm của ngoại My “ế khách” nên thắc mắc: “Cơm ông bà tặng ngon vậy mà sao lại ế, con thấy ngoài kia nhiều người tìm mua cơm không có”, thế là ngoại My nhờ vả để quán cơm 0 đồng được nhiều người biết đến hơn.
Những ngày sau đó mọi người tìm đến nhiều quá khiến ông bà trở tay không kịp. Ban đầu mỗi ngày bà chỉ nấu 50 phần sau đó tăng lên 100 phần, giờ là 150 phần mà vẫn không đủ.
Mọi bữa thì chỉ có bà và một cô hàng xóm cùng làm, hôm nào ông khỏe mới phụ một tay, nay đông khách thì có 2 người nữa tới phụ, bà mừng lắm.
3 năm trước, một mình bà My khăn gói từ quận Ô Môn, TP. Cần Thơ lên Sài Gòn chữa bệnh. Tại đây bà được người dân Sài Gòn tận tình hỗ trợ, từ đấy bà thêm yêu mảnh đất này và quyết định thuê mặt bằng để mở quán cơm chay. Trước là bán cho những người có nhu cầu, sau là thấy ai nghèo khổ, thì bà sẽ tặng cơm miễn phí.
Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, ban đầu vợ chồng bà cũng đóng cửa quán cơm. Nhưng rồi thấy nhiều người khó khăn, không có đủ cơm ăn, vợ chồng bà quyết định nấu cơm chay 0 đồng để tặng mọi người.
Làm việc thiện thấy vui trong lòng
“Mỗi ngày ngoại ngủ có 3 tiếng hà, cực nhưng vui lắm, thấy mọi người ăn cơm ngon, ngoại mừng. Ngoại tuy già cứ khỏe re à, làm việc thiện mới sống lâu”, bà My hồ hởi nói.
Tuy là cơm 0 đồng nhưng bà My luôn chuẩn bị các món rất kỹ lưỡng và phong phú. Biết quán cơm của bà, nhiều người xung quanh hay đem gạo, rau củ tới hỗ trợ.
Bà kể, có thằng bé mới khoảng 8 tuổi cũng cầm 2 trái bí xanh đem tới tặng bà, nhìn tấm lòng của đứa nhỏ, bà mừng lắm. Mặc dù bận rộn, thức khuya dậy sớm nhưng bà My không hề thấy vất vả. Ngày nào mà hết cơm sớm, bà lại mừng vì mình làm thêm được một việc có ích.
Chú Nghĩa (lượm ve chai) vừa nhận được 2 hộp cơm nóng hổi mừng rỡ nói. “Mấy bữa nay chú đều qua đây nhận cơm của ngoại, cơm ngon mà nhiều nữa, có cơm ăn đỡ tốn tiền mua, mừng lắm”.
Thấy bà My tuổi đã cao, nhiều người khuyên ông bà nên về quê nghỉ ngơi, nhưng bà quả quyết muốn ở lại giúp đỡ mọi người, nhìn mọi người vui thì lòng bà cũng vui.
“Ngoại còn khỏe lắm, giúp được người nào hay người đó, thời buổi này ai cũng khổ cả, làm mình thấy vui vẻ là được rồi”, ngoại My nói.
Không riêng gì vợ chồng bà My, ở Sài Gòn còn có rất nhiều cá nhân, tổ chức, đội nhóm thiện nguyện tham gia những công việc thầm lặng, góp nhặt một chút yêu thương để san sẻ với mọi người trong suốt hơn 4 tháng qua.
Sài Gòn lúc nào cũng vậy, dẫu cho gặp bao nhiêu khó khăn thì những con người nơi đây vẫn luôn biết cách để bao bọc nhau. Lá lành đùm lá rách để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19. Mong rằng những ngày sắp tới, Sài Gòn sẽ khỏe trở lại để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế một cách an toàn, bền vững.
Yên Yên (t/h)