Chuyện nhân quả: Cứu vật vật trả ơn, hại người nhận ác báo
Đời người không tránh khỏi những lúc gặp tai ương, hiểm họa. Tuy nhiên, tại sao có người được trợ giúp kịp thời, tai qua nạn khỏi, nhưng lại có người phải gánh hậu họa nặng nề, thậm chí tan gia bại sản. Câu trả lời chính là nằm ở 3 chữ: Luật nhân quả. Câu chuyện sau là một ví dụ.
1. Song ngưu liều mình cứu chủ
Thôn Hộ Trì Tự ở huyện Hà Gian có một nông phu họ Vũ, gia cảnh bình thường không nghèo không giàu. Một đêm ông Vũ có việc phải đi ra ngoài, có mấy tên đạo tặc từ trên mái hiên nhảy xuống, dùng búa lớn phá cửa. Lúc ấy trong nhà chỉ có phụ nữ và trẻ con, họ sợ tới mức nằm im trên giường mà vẫn run bần bật, chỉ biết phó mặc cho số phận.
Trong lúc hiểm nghèo, hai con trâu nhà ông Vũ đột nhiên rống lên nhảy vào trong phòng, không sợ đao búa lao vào dùng sừng đấu với đạo tặc, hết sức dũng mãnh, khiến bọn đạo tặc đều bị thương, cuối cùng phải tháo chạy thục mạng.
Vì sao 2 con trâu này lại liều mình bảo hộ gia chủ đến vậy, là vì có tiền căn. Nguyên lai câu chuyện là vào năm Càn Long thứ 8 (1743), huyện Hà Gian náo loạn vì gặp phải nạn đói lớn. Rất nhiều nhà nuôi trâu không mua nổi cỏ khô, phải đến hơn nửa đem trâu cày bán cho lò mổ, và hai con trâu này cũng không tránh khỏi cảnh ngộ đó. Trước lúc bị mổ, chúng nằm rạp trên mặt đất gầm rú, không chịu đi lên phía trước.
Nông phu họ Vũ vô tình nhìn thấy sinh lòng thương cảm, liền dùng áo mình đang mặc trên người làm vật trao đổi để chuộc hai con trâu, sau đó thân trần chịu rét lạnh, mang chúng về nhà. Vì vậy mà trong thời khắc nguy cấp, hai con trâu này đã liều chết để đền đáp chủ nhân của mình.
Tuy nhiên, điều lạ là cường đạo gây án trong nhà, còn lúc đó trâu đang ở trong chuồng bên ngoài, làm sao có thể biết được chủ nhân đang gặp nguy hiểm? Hơn nữa trâu lại là động vật to lớn, động tác không được nhanh nhẹn, làm sao có thể xông ra khỏi chuồng kiên cố, nhảy tường mà vào nhà? Hẳn phải có lực lượng nào đó đang âm thầm tác động, liệu có phải là thần linh? Quả thực là kỳ lạ không cách nào giải thích nổi.
Lưu Đông Đường nói với Kỷ Hiểu Lam, câu chuyện này xảy ra vào mùa đông năm Càn Long ất sửu (1745), đúng vào thời điểm huyện Hà Gian đang tổ chức thi hương. Lưu Đông Đường chính là người ở thôn Hộ Trì Tự. Ông nói, ông tận mắt nhìn thấy trên thân 2 con trâu này có những vết sẹo.
2. Lập mưu hại người gặp tai họa, sửa chữa lỗi lầm được phúc báo
Tại thôn nọ có một người họ La và một người họ Cổ là hàng xóm của nhau, nhà ông La giàu có, nhà ông Cổ thì nghèo túng. Ông La muốn thôn tính nhà ông Cổ nên cực lực hạ thấp giá nhà. Ông Cổ muốn bán cho người khác, ông La lại âm thầm cản trở. Qua một thời gian lâu, cuộc sống gia đình ông Cổ càng thêm quẫn bách khốn cùng, nên đành phải bán nhà cho ông La với giá thấp. Ông La tiến hành cải tạo khiến ngôi của ông Cổ rực rỡ hẳn lên.
Sau đó ông La làm tiệc thịnh soạn, tế tự Quỷ Thần. Khi ông La vừa châm lửa đốt tiền giấy, bỗng nhiên một cơn gió dữ dội thổi đến, thổi giấy tiền vàng bay hết lên xà nhà, trong nháy mắt lửa cháy bùng lên, không chỉ căn nhà mới được sửa sang biến thành tro tàn, mà căn nhà ông La đang ở cũng bị cháy, phần còn lại chỉ là một đống đổ nát.
Vào thời điểm lửa cháy bừng bừng, rất nhiều người đã đến cứu giúp dập tắt lửa. Nhưng ông La lại nén lòng ngăn cản nói: “Không cần cứu! Vừa rồi ta trong ánh lửa, hoảng hốt trông thấy phụ thân đã qua đời của ông Cổ, là ông ấy đang trừng phạt ta, hơn nữa là có thần linh phê chuẩn, cho nên cứu cũng vô dụng. Ta thực đã minh bạch được thiên lý thiện ác hữu báo rồi. Giờ ta có hối hận cũng không còn kịp nữa!”
Ông La sau này mời ông Cổ đến, nguyện ý cho ông Cổ hai mươi mẫu ruộng tốt, với tư cách trợ cấp cho Cổ gia, cũng có viết chứng từ làm chứng. Từ đó về sau, ông La chuyển sang hành thiện, cuối cùng được hưởng trường thọ sống vui vẻ đến già.
Lê Hiếu biên dịch