“Chữ VN song song 4.0” vừa được cấp bản quyền, tác giả mong muốn đưa vào giảng dạy sau đại dịch
Sau khi được “Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam” cấp bản quyền, tác giả Kiều Trường Lâm hi vọng, trong tương lai không xa bộ chữ viết này sẽ được đưa vào giảng dạy cho học sinh, được người dân ứng dụng vào cuộc sống,… và sau khi hết dịch virus Vũ Hán (Covid-19), anh Lâm mong muốn tổ chức giới thiệu bộ chữ này ở các trường ĐH, CĐ.
Vào ngày 25/3 vừa qua, Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã chính thức cấp giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG cho “Chữ VN song song 4.0”, tác giả là Kiều Trường Lâm, đồng tác giả – thầy Trần Tư Bình.
Tác giả Kiều Trường Lâm (34 tuổi), hiện đang làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu gỗ ở Hà Nội cho biết, từ năm lớp 1 anh từng khát khao có thể sáng tạo ra một bộ chữ không dấu giống như tiếng Anh, nhưng vẫn có thể đọc và viết trôi chảy.
Do đó, từ “năm lớp 2 đến lớp 10” anh đã bắt đầu nghiên cứu về các chữ cái thay cho dấu. Đến năm 2012, anh phát hiện đề tài “Chữ Việt nhanh” – một kiểu chữ Việt ngắn gọn của tác giả Trần Tư Bình (hiện đang sinh sống và làm việc ở Úc).
Đến tháng 10/2019, Kiều Trường Lâm đã kết hợp nghiên cứu của mình và tác giả Trần Tư Bình cho ra kiểu chữ viết mới “Chữ VN song song 4.0”.
Chia sẻ của tác giả Kiều Trường Lâm
Tác giả Kiều Trường Lâm cho biết, chữ viết mới này “đẹp và ưu việt hơn”, sắp tới nếu có cơ hội anh sẽ ra mắt CVNSS 4.0 tại Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam.
“Thật tuyệt vời, đó là một chữ viết rất ưu việt, lại đẹp vô cùng. Hiện nay, giới trẻ thường viết chữ quốc ngữ không dấu để nói chuyện với nhau trên tin nhắn điện thoại, internet, messenger, zalo chat,… nhưng nhiều lúc đọc không dấu sẽ gây hiểu nhầm. Chữ VN song song 4.0 sẽ khắc phục được nhược điểm gây hiểu lầm trong chữ Quốc ngữ viết không dấu này”, tác giả Kiều Trường Lâm cho hay.
Anh Lâm cho biết, trước mắt anh sẽ giới thiệu CVNSS 4.0 đến đối tượng là các sinh viên đại học.
“Mình sẽ mở một buổi hội thảo để giới thiệu chữ và lấy ý kiến từ các bạn sinh viên, để các bạn dùng thử và đưa ra nhận xét. Ngoài ra mình cũng tính thử nghiệm với các học sinh từ lớp 2 trở lên”, anh Lâm chia sẻ.
Về tên gọi “Chữ VN song song 4.0”, anh Kiều Trường Lâm cho biết, chữ “Việt Nam” được viết tắt thành “VN” vì còn cần xin ý kiến Quốc hội về tên. Anh Lâm hy vọng một ngày nào đó sẽ được gọi đúng với cái tên “Chữ Việt Nam Song Song 4.0”.
Mặc dù vậy, sau khi công bố “Chữ VN song song 4.0” đã gặp không ít sự phản đối, tuy nhiên tác giả Kiều Trương Lâm cho khẳng định: “Khi công bố nghiên cứu, mình đã dự đoán được sẽ có những phản ứng cả tích cực và tiêu cực. Mình nghĩ để đánh giá CVNSS 4.0 một cách khách quan, độc giả cần học qua, ứng dụng thử để xem nó có hay hay không? Như vậy mới có thể đưa ra nhận xét đúng”.
Trong thời gian sắp tới, dự định là khi hết dịch virus Vũ Hán (Covid-19), Kiều Trường Lâm sẽ mời chuyên gia của Viện Ngôn ngữ học thẩm định nghiên cứu của mình. Theo anh Lâm, một công trình nghiên cứu cần có ý kiến từ chuyên gia, sau đó tự khắc nó sẽ có bước tiến.
“Ngoài ra, tôi cũng muốn tổ chức giới thiệu Chữ VN song song 4.0 ở các trường ĐH, CĐ sau khi hết dịch Covid-19…”, Lâm chia sẻ.
Từ Nguyên (t/h)