Chủ tịch Quốc hội Venezuela tuyên bố làm tổng thống tạm quyền
Hôm 11/1, Chủ tịch Quốc hội Venezuela đã thông báo rằng, ông sẽ viện dẫn ba điều khoản hiến pháp hiện hành “để kêu gọi bầu cử tự do ngay lập tức, và kêu gọi đoàn kết nhân dân, lực lượng vũ trang và cộng đồng quốc tế để chấm dứt việc [ông Maduro] chiếm quyền”.
Đầu tháng 1/2019 này, ông Juan Guaidó vừa được Quốc hội bầu làm chủ tịch. Ngay sau phát biểu bất ngờ của vị lãnh đạo này, Quốc hội và Đảng Ý chí Phổ biến (Popular Will) của ông Guaidó đã phát hành thông cáo báo chí giải thích rằng, thông báo của ông Guaidó chính là tuyên bố ông sẽ đảm đương chức tổng thống và lãnh đạo một chính phủ thực tế mới.
Theo Epoch Times, một trong những điều khoản hiến pháp mà ông Juan Guaidó viện dẫn là Điều 233. Điều khoản này tuyên bố rằng “trong trường hợp khuyết thiếu tổng thống theo hiến định, thì chủ tịch Quốc hội tự động trở thành tổng thống của nước Cộng hòa này”.
Phe đối lập cho rằng, ông Maduro đã tổ chức cuộc bầu cử tổng thống gian lận vào ngày 20/5/2018 và do vậy, nhiệm kỳ tổng thống của ông đã chính thức kết thúc vào ngày 10/1.
Một số nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Canada và hơn mười nước Mỹ La-tinh đã không công nhận ông Maduro làm tổng thống Venezuela nhiệm kỳ 2. Những nước này cho rằng, lãnh đạo của Đảng Xã hội chủ nghĩa đã thắng cử trong một cuộc bầu cử gian lận vào tháng 5/2018.
Lãnh đạo Tổ chức Các nước Châu Mỹ (OAS), ông Luis Almagro đã lập tức đăng tweet công nhận tuyên bố của ông Juan Guaidó. Ông Almagro viết: “Chúng tôi chào mừng ông Juan Guaidó làm quyền tổng thống Venezuela theo điều 233 của Hiến pháp Chính trị”.
Chính phủ Brazil cũng phát đi tuyên bố công nhận ông Guaidó là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.
Tuy nhiên, ngay trong nội bộ Quốc hội Venezuela lại chưa thống nhất về tiến trình phế truất ông Maduro. Phó chủ tịch của liên minh nhằm lật đổ ông Maduro, ông Américo de Grazia trong cuộc trao đổi với Epoch Times đã nói: “Đó không phải là một hành động [đơn lẻ], đó là một tiến trình”.
Ông Américo de Grazia cho rằng, để loại bỏ “kẻ chiếm quyền” – ám chỉ Tổng thống Maduro, Quốc hội cần có sự ủng hộ rộng rãi ở cả trong nước và quốc tế.
“Thay thế ông ta không chỉ là một hành động tư pháp mà đó là trật tự công cộng, và điều đó yêu cầu sự kết hợp của bốn yếu tố sau: Quốc hội; một liên minh quốc tế công nhận tổng thống mới và thể chế mới; quân đội kêu gọi tôn trọng trật tự hiến pháp và không thừa nhận tính hợp pháp của Tổng thống Maduro; và người dân xuống đường hợp pháp thể hiện sự bất mãn, phản kháng và nổi loạn dân sự [phản đối chính quyền Maduro]”, ông Américo de Grazia giải thích.
Bộ trưởng tù nhân Venezuela – đồng minh của ông Maduro, ông María Iris Varela đã nhanh chóng phát đi lời đe dọa trấn áp bằng tuyên bố trên Twitter: “Guaidó, tôi sẵn sàng bỏ tù ông rồi đây. Tôi hy vọng ông sớm nêu tên nội các của ông để chúng tôi biết những ai sẽ sát cánh với ông, đồ trẻ ranh ngu ngốc”.
Epoch Times, dẫn thông tin từ một số lãnh đạo phe đối lập, cho biết mật vụ của chính quyền Maduro hôm 13/1 đã bắt giữ ông Juan Guaidó, nhưng cũng nhanh chóng thả tự do cho ông này. Ông Guaidó được cho là đã có bài phát biểu trong một cuộc tập trung hôm 13/1 ngay sau khi được thả ra.
Quốc hội Venezuela cũng đã kêu gọi tổ chức cuộc biểu tình quy mô lớn vào ngày 23/1 với hy vọng ép ông Maduro phải từ chức.
Theo Trithucvn