Chủ cty dùng hóa chất tẩy rửa để làm nước mắm: ‘Tôi làm đã 60 năm, chưa thấy ai bị gì’
Dù phân trần rằng gia đình mình ‘sử dụng chất này đã hơn 60 năm nay rồi… đâu thấy có ai bị ảnh hưởng gì’ nhưng chủ của một doanh nghiệp sản xuất nước mắm cũng khẳng định sẽ chuyển sang dùng soda thực phẩm sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt và khuyến cáo.
Chiều ngày 14/1, tìm về An Giang, đến trụ sở của Công ty TNHH MTV Điều Hương, một trong 3 doanh nghiệp vừa bị Thanh tra Bộ NN-PTNT phát hiện vi phạm trong sản xuất nước mắm khi sử dụng chất tẩy rửa để sản xuất nước mắm.
‘Tôi làm đã 60 năm, chưa thấy ai bị gì’
Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp Điều Hương tọa lạc tổ 11, ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu (Châu Thành) do ông Lê Văn Điệp tên thường gọi là Sáu Lục, làm chủ.
Trao đổi với phóng viên, ông Điệp cho biết đến nay công ty đã thực hiện xong các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng chất soda công nghiệp (hóa chất sản xuất chất tẩy rửa như xà phòng, dệt nhuộm) để sản xuất nước mắm.
“Gia đình tôi sử dụng chất này đã hơn 60 năm nay rồi. Sử dụng từ thời ba mẹ tôi đến giờ. Từ xưa đến giờ xài chất này tôi đâu thấy có ai bị ảnh hưởng gì đâu”, ông Điệp phân trần.
Tuy vậy, ông Điệp cũng cho biết sẽ chuyển sang sử dụng soda thực phẩm để sản xuất nước mắm sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt và khuyến cáo.
Doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống?
Theo ông Nguyễn Di Vu – Phó Chủ tịch UBND thị trấn An Châu thì thời gian đầu, Điều Hương đăng ký là doanh nghiệp tư nhân, chuyên sản xuất nước mắm truyền thống. Và gần đây đã chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV và không sản xuất nước mắm theo phương thức truyền thống nữa mà chuyển sang trích ly nước cá.
Tuy vậy, các đơn vị chức năng không hề được thông báo về việc chuyển đổi trên mãi cho đến khi Thanh tra Bộ NN-PTNT phối hợp cùng cơ quan chức năng trung ương tiến hành điều tra, thanh tra.
Theo ông Phạm Thành Quang – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản An Giang thì nguyên nhân là vì doanh nghiệp này có thái độ thiếu hợp tác với cơ quan chức năng tỉnh, nhân viên bảo vệ công ty luôn khẳng định là chủ cơ sở đi vắng và cương quyết không cho đoàn thanh tra vào cơ sở.
Soda nào được dùng làm nước mắm?
Theo chuyên gia về công nghệ thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh thì soda được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm là soda thực phẩm, không phải soda công nghiệp (là loại được sử dụng trong sản xuất nước mắm ở 3 công ty vừa bị Bộ NN-PTNN xử phạt).
“Soda công nghiệp không được dùng trong sản xuất thực phẩm vì loại soda này không được tinh chế và còn chứa tạp chất, trong tạp chất có thể có cả kim loại nặng và đây là thành phần ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Thịnh cho hay.
Ngoài ra, vị chuyên gia này còn khẳng định rằng khi sử dụng soda thực phẩm vào sản xuất nước mắm thì lượng dùng cần rất nhỏ để thủy phân cá nhanh hơn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT thì lượng soda (mà ba đơn vị bị xử phạt) sử dụng để sản xuất 800 lít dung dịch chấm lên tới 120kg là số lượng rất nhiều, cần phải xem lại công thức sản xuất…
Trước đó, vào chiều ngày 13/1, ông Nguyễn Văn Tiến – Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ đã phạt hành chính 782 triệu đồng đối với 3 doanh nghiệp có hành vi sử dụng nguyên liệu là hóa chất công nghiệp (48 tấn soda Na2CO3) để sản xuất nước mắm.
Ba doanh nghiệp trên lần lượt là công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (Số 47 Trần Phú, Phường 4, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); Công ty TNHH thực phẩm Tấn Phát (Tổ 1, ấp Tân Đông, xã Tân Quới, Bình Tân, Vĩnh Long); Công ty TNHH MTV Điều Hương.
Ngoài ra, công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành (TP.HCM) cũng bị phạt 6 triệu đồng do vi phạm về điều kiện sản xuất khi để khu xử lý nước thải ứ đọng, không được che kín.
Trên thực tế thì từ giữa năm 2019, Bộ NN-PTNN đã phát hiện những sai phạm nghiêm trọng của các công ty trên. Tuy nhiên, phải đến ngày 10/1 (gần nửa năm sau) thì danh tính của những công ty này mới được công khai tại hội nghị của Bộ.
Vũ Tuấn (t/h)