Chính quyền Trump quyết rút các chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc
Theo các quan chức Mỹ, chính quyền Trump đang đẩy mạnh chương trình rút các chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc áp các mức thuế mới để trừng phạt Bắc Kinh vì dịch virus Vũ Hán.
Từ lâu, Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ đưa các hoạt động sản xuất của Mỹ ở nước ngoài về nước. Giờ đây, sự tàn phá về kinh tế và lượng lớn số ca tử vong vì virus Vũ Hán càng thúc đẩy chính quyền Mỹ rút các chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc, có thể không đưa về nước mà chuyển qua một số nước thân thiện hơn.
“Trong vài năm qua, chúng tôi đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc, nhưng hiện tại chúng tôi đang đẩy mạnh hơn nữa chương trình đó. Tôi nghĩ rằng điều cần thiết là phải hiểu các lĩnh vực quan trọng và các nút thắt nằm ở đâu”, Reuters dẫn lời ông Keith Krach, Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Phát triển Kinh tế, Năng lượng và Môi trường cho biết.
Ông Krach cũng nói thêm rằng đó là vấn đề then chốt đối với an ninh Mỹ và chính phủ có thể sẽ sớm thông báo hành động mới.
Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao Mỹ và các cơ quan khác đang tìm cách thúc đẩy các công ty chuyển cả hoạt động tìm nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các ưu đãi thuế và trợ giá là 2 trong những biện pháp được xem xét để thúc đẩy sự thay đổi, các quan chức Mỹ nói với Reuters.
“Cả chính phủ đều thúc đẩy việc này”, một quan chức cho biết. Các cơ quan đang điều tra xem hoạt động sản xuất nào nên được coi là trọng yếu và làm thế nào để sản xuất những hàng hóa này bên ngoài Trung Quốc.
“Thời điểm này là một cơn bão hoàn hảo; Đại dịch đã hiện thực hóa tất cả những lo lắng mà mọi người gặp phải khi làm ăn với Trung Quốc. Toàn bộ tiền mà người ta nghĩ là thu được khi giao dịch với Trung Quốc trước đây đều không thấm tháp gì so với thiệt hại kinh tế vì dịch Covid-19”, một quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ nói.
Tổng thống Trump vừa cảnh báo sẽ đánh thêm thuế (bên cạnh mức thuế đến 25% đang được áp đặt lên 370 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại) để trừng phạt Bắc Kinh vì cách thức xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19. Những biện pháp khác có thể gồm trừng phạt các công ty, quan chức Trung Quốc hoặc tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Ngoài ra, Mỹ đang xúc tiến hình thành một liên minh “những đối tác đáng tin cậy” gọi là “Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế”. Liên minh này sẽ bao gồm các công ty và những tổ chức hiệp hội hoạt động theo cùng một hệ thống tiêu chuẩn trên mọi lĩnh vực từ kinh doanh kỹ thuật số, năng lượng, hạ tầng cho đến nghiên cứu, thương mại, giáo dục.
Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo ngày 29/4 tuyên bố, chính phủ Mỹ đang làm việc với Úc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để “thúc đẩy kinh tế toàn cầu”. Những cuộc thảo luận này bao gồm “tái cấu trúc các chuỗi cung ứng thế nào để ngăn ngừa sự việc như thế này lặp lại”, theo ông Pompeo.
Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới vào năm 2010 và chiếm 28% sản lượng toàn cầu trong năm 2018.
Đại dịch Vũ Hán đã nêu bật vai trò chủ chốt của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng thuốc generic, sự thống trị trong thị trường những sản phẩm như camera đo thân nhiệt và tầm quan trọng trong các chuỗi cung ứng thực phẩm.
Thùy Linh (t/h)