Chính quyền Mỹ sắp giáng ‘đòn chí mạng’ vào dự án đường ống dầu Đức-Nga

30/12/20, 13:54 Thế giới

Nhằm giáng một đòn chí mạng vào đường ống dẫn khí Nord Stream 2 giữa Nga và Đức, chính quyền Hoa Kỳ đang tăng cường đe dọa sẽ trừng phạt các công ty, doanh nghiệp châu Âu. Đường ống sẽ giúp tăng gấp đôi lượng khí thiên nhiên được vận chuyển từ Nga đến Đức qua biển Baltic. Giống người tiền nhiệm Barack Obama, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chỉ trích dự án này vì nó sẽ khiến Đức bị “lệ thuộc” vào Nga trong nguồn cung năng lượng.

Chính quyền Mỹ sắp giáng ‘đòn chí mạng’ vào dự án đường ống Đức-Nga
Cơ sở đổ bộ Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức, vào ngày 7 tháng 9 năm 2020. (Ảnh: Odd Andersen / AFP qua Getty Images)

TT Trump đã đặc biệt chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi trái ngược với Hoa Kỳ và nhiều nước Đông Âu, bà là người đã kiên quyết theo đuổi dự án đường ống, hỗ trợ hàng tỷ đô la cho Nga ngay trong thời điểm mà Đức đang được nền quốc phòng Mỹ bảo vệ khỏi chính quốc gia này.

Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã khiến việc hoàn thành đường ống dài 1.230 km bị trì hoãn trong hơn một năm, đồng thời khiến chi phí xây dựng phải bỏ ra tăng thêm 1 tỷ USD. Dự án đường ống này tiêu tốn 11,5 tỷ USD, hiện đã hoàn thành được 90%. Dự án ban đầu dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020, nhưng sau khi một số người tham gia chính bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và buộc phải rời khỏi dự án, thì ngày dự kiến hoàn thành hiện vẫn đang chưa thể định rõ.

Phần còn dang dở của đường ống bao gồm một đoạn dài 2,6 km trong vùng nước nông của vùng đặc quyền kinh tế Đức, và một đoạn ống khác với độ dài 100 km trong vùng nước sâu ngoài khơi bờ biển Đan Mạch.

Vào tháng 12/2019, công tác xây dựng đường ống đột nhiên bị tạm dừng. Allseas Group SA, một công ty Thụy Sĩ, đã bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và phải đình chỉ công tác lắp đặt đường ống tại vùng biển Đan Mạch. Công ty này đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng đường ống tại vùng biển Đan Mạch, khi sở hữu hàng loạt con tàu chuyên dụng dùng để lắp đặt đường ống dưới biển. 

Các biện pháp trừng phạt đã được nêu ra trong Dự luật Ủy quyền Quốc phòng. Đây là dự luật chi tiêu quốc phòng thường niên, được Tổng thống Donald Trump ký duyệt vào ngày 20/12/2019. Đạo luật yêu cầu Bộ Ngân khố và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong vòng 60 ngày phải gửi một báo cáo xác định “các tàu tham gia vào công tác lắp đặt đường ống ở độ sâu từ 30m trở lên dưới mực nước biển để xây dựng dự án đường ống Nord Stream 2, dự án đường ống TurkStream [một đường ống dẫn khí đốt mới trải dài từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen] hoặc bất kỳ dự án nào kế thừa một trong hai dự án đó.”

Theo Hiệp hội Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), hàng trăm công ty từ hơn một chục quốc gia đang tham gia vào dự án Nord Stream 2, trong đó có ít nhất 350 công ty từ Đức.

Vào tháng 11/2020, Nord Stream 2 tiếp tục bị trì hoãn lần nữa, khi DNV GL, một nhóm quản lý rủi ro và kiểm soát chất lượng của Na Uy, rút lui khỏi dự án do bị Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt. DNV GL giữ vai trò xem xét tài liệu và quan sát các hoạt động xây dựng để đảm bảo mọi thứ tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn. Điều này bao gồm việc giám sát quá trình kiểm tra và chuẩn bị các thiết bị được sử dụng bởi các tàu để lắp đặt đường ống. Hiện vẫn chưa rõ làm cách nào để công tác xây dựng đường ống có thể tiếp tục mà không có sự kiểm soát chất lượng.

Quyết định của DNV GL được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo rằng họ “cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt có trong Đạo luật Bảo vệ Năng lượng Châu Âu năm 2019 (PEESA)”. Một tuyên bố ngày 20/10 cho biết:

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga ngừng sử dụng nguồn năng lượng của mình cho các mục đích trói buộc. Nga sử dụng các đường ống xuất khẩu năng lượng của mình để tạo ra những lệ thuộc tại quốc gia và khu vực vào nguồn cung năng lượng của họ, sau đó tận dụng sự phụ thuộc này để mở rộng tầm ảnh hưởng về chính trị, kinh tế và quân sự, làm suy yếu an ninh châu Âu và phá hoại an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Các đường ống này cũng làm giảm sự đa dạng hóa năng lượng của Châu Âu, từ đó làm suy yếu nền an ninh năng lượng của Châu Âu”.

“PEESA cung cấp cho Hoa Kỳ thẩm quyền để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, đặc biệt là để giải quyết các dự án đường ống của Nga gây ra rủi ro về an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, đe dọa an ninh năng lượng của Châu Âu và từ đó gây nguy hiểm cho phúc lợi chính trị và kinh tế của Châu Âu”.

“Theo Mục 7503 của PEESA, Bộ trưởng Ngoại giao, với sự tham vấn của Bộ trưởng Ngân khố, sẽ đệ trình một báo cáo lên Quốc hội vào giai đoạn thích hợp, xác định: (A) các tàu tham gia công tác lắp đặt đường ống ở độ sâu 30m trở lên dưới mực nước biển để xây dựng dự án đường ống Nord Stream 2, dự án đường ống TurkStream, hoặc bất kỳ dự án nào kế thừa dự án đó; (B) các đối tượng nước ngoài mà Bộ trưởng Ngoại giao, với sự tham vấn của Bộ trưởng Ngân khố, xác định đã cố ý bán, cho thuê hoặc cung cấp tàu để tiến hành một dự án xây dựng giống như vậy; hoặc tạo điều kiện cho các giao dịch lừa đảo hoặc có cơ cấu để cung cấp tàu cho việc thi công dự án”. 

Phạm vi trừng phạt của Hoa Kỳ đã được nới rộng thêm trong dự luật chính sách quốc phòng lưỡng đảng chống quyền phủ quyết, được thông qua vào tháng 12/2020.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, ngày 11/12, Nord Stream 2, do công ty Gazprom của Nga quản lý, thông báo rằng họ vẫn tiếp tục công tác xây dựng đường ống 2,6 km tại vùng biển nông của Đức.

Ngày 22/12, Cơ quan Hàng hải Đan Mạch thông báo rằng công tác lắp đặt đường ống dưới đáy biển sẽ được tiếp tục tiến hành tại đáy biển Baltic từ ngày 15/1/2021.

Vào ngày 23/12, các quan chức Mỹ tiết lộ rằng một nhà máy đóng tàu của Tây Ban Nha tại quần đảo Canaria đã nâng cấp một con tàu của Nga, Oceanic 5000, để hoàn thành nốt công tác lắp đặt đường ống mà công ty Allseas đã thực hiện trước đó.

Ngày 24/12, chính quyền Nga thừa nhận các lệnh trừng phạt của Mỹ có khả năng gây gián đoạn công tác hoàn tất đường ống. 

Theo tờ Reuters, chính phủ Hoa Kỳ hiện đang chuẩn bị tiến hành một vòng trừng phạt mới do Quốc hội ủy nhiệm, mà khả năng sẽ giáng một đòn chí mạng vào dự án. Một quan chức Hoa Kỳ giấu tên phát biểu với tờ Reuters: “Chúng tôi đã giáng đòn trừng phạt hết lần này qua lần khác, và giờ chúng tôi đang sắp sửa giáng một đòn kết liễu đối với dự án này”.

Chiến dịch gây sức ép của chính quyền Mỹ được cả hai phe lập pháp của đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ. Họ lo ngại rằng Nga sẽ nắm được quyền thế với nguồn cung năng lượng cho Đức. Các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Cruz, Tom Cotton và Ron Johnson gần đây đã chỉ ra rằng:

“Hiện có một loạt các biện pháp trừng phạt và chỉ dẫn của chính quyền Hoa Kỳ nhắm vào dự án Nord Stream 2, phản ánh lên nhiều năm nỗ lực của lưỡng đảng, lưỡng viện và liên chi bộ, khiến toàn bộ chính phủ đều đồng thuận rằng [công tác xây dựng] đường ống này buộc phải tạm dừng”.

Dự án Đức-Nga

Nord Stream 2 chịu trách nhiệm bởi công ty Gazprom của Nga, với một nửa kinh phí được hỗ trợ bởi hai công ty của Đức Uniper và Wintershall, công ty dầu khí Anh-Hà Lan Shell, công ty dầu khí OMV của Áo và công ty điện lực Engie của Pháp.

Mặc dù có sự tham gia của nhiều quốc gia, nhưng đường ống về cơ bản là một dự án của Đức với Nga, được thúc đẩy từ đầu bởi Đảng Dân chủ Xã hội Đức trung tả (SPD). Đây là đảng phái chính trị mà ngay cả trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, cũng nhìn nhận quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Nga như một cách để xoa dịu căng thẳng giữa phương Đông và phương Tây.

Cựu thủ tướng Đức, Gerhard Schröder, thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin, là cá nhân tiêu biểu hàng đầu tại châu Âu trong việc thúc đẩy xây dựng đường ống này. Schröder lãnh đạo nước Đức từ năm 1998 đến 2005, là Chủ tịch Ủy ban Cổ đông của Nord Stream từ năm 2006. Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Rosneft, nhà sản xuất dầu khí lớn nhất của Nga. Ông đã tận dụng các mối quan hệ của mình tại Đức và các quốc gia khác ở Châu Âu để vận động hành lang cho cả dự án Nord Stream 1 và Nord Stream 2.

Vào năm 2017, khi Nord Stream vấp phải một số thất bại nghiêm trọng, Sigmar Gabriel, cựu chủ tịch SPD kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, đã hồi sinh dự án, và Frank-Walter Steinmeier, tổng thống Đức đương nhiệm, cũng đang thực hiện điều tương tự. 

Không ngạc nhiên khi Heiko Maas, Bộ trưởng Ngoại giao Dân chủ Xã hội đương nhiệm của Đức, chỉ trích các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là hành vi can thiệp của nước ngoài. Ông phát biểu trên Twitter: “Các quyết định về chính sách năng lượng của châu Âu được hình thành tại châu Âu, chứ không phải tại Mỹ. Về cơ bản, chúng tôi phản đối các hành vi can thiệp và trừng phạt từ nước ngoài gây ra các tác động ngoài lãnh thổ”.

Trên thực tế, dự án Nord Stream đã khiến châu Âu bị chia rẽ sâu sắc, và Đức đang nằm ở phe thiểu số. Theo Eurostat, Nga hiện là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất cho Liên minh châu Âu. Có hơn 40% lượng khí tự nhiên nhập khẩu của Liên minh châu Âu đến từ Nga, theo sau là Na Uy (khoảng 35%). Chuỗi đường ống Nord Stream 2, khi kết hợp với Nord Stream 1 hiện có, sẽ tập trung vận chuyển 80% lượng khí đốt do Nga nhập khẩu cho Liên minh châu Âu dọc theo tuyến đường ống đó.

Các quốc gia láng giềng Bắc Âu, Baltic và Đông Âu của Đức đã cáo buộc chính quyền Berlin phớt lờ những quan ngại của họ. Các quốc gia này cho rằng đường ống là mối đe dọa đối với nền an ninh năng lượng của châu Âu, đồng thời sẽ củng cố thêm vị thế thống trị của Gazprom trên thị trường.

Vào tháng 3/2016, trong một bức thư gửi tới Ủy ban châu Âu, các nhà lãnh đạo của Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania và Slovakia, cảnh báo rằng Nord Stream 2 sẽ gây ra ‘những rủi ro cho nền an ninh năng lượng tại khu vực Trung Âu và Đông Âu’, đồng thời tạo nên ‘những hậu quả địa chính trị tiềm tàng gây mất ổn định’. Họ cho biết thêm: “Nó sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển thị trường khí đốt và các mô hình vận chuyển khí đốt trong khu vực, đặc biệt là tuyến đường trung chuyển qua Ukraine”.

Một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển cho thấy Nga đã đe dọa cắt nguồn cung năng lượng cho Trung và Đông Âu hơn 50 lần. Ngay cả sau khi một số quốc gia tại hai khu vực này gia nhập Liên minh châu Âu, Nga vẫn tiếp tục hành vi đe dọa này. 

Tháng 12/2018, Nghị viện Châu Âu, với số phiếu chênh lệnh 433-105, đã lên án Nord Stream 2, khẳng định đây là “một dự án chính trị gây ra mối đe dọa cho nền an ninh năng lượng của Châu Âu”. Nghị viên đã kêu gọi hủy bỏ dự án.

Ukraine cho biết, đường ống Nord Stream 2 sẽ khiến quốc gia này mất đi hàng tỷ USD phí vận chuyển, đồng thời làm suy yếu các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện có mà phương Tây áp đặt nhằm buộc Nga phải giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine, cũng như chấm dứt việc chiếm đóng bán đảo Crimea của Ukraine.

Khoảng hơn một phần ba nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Liên minh châu Âu hiện được vận chuyển qua Ukraine. Hợp đồng đường ống thời hạn 10 năm giữa Nga và Ukraine đã kết thúc vào ngày 31/12/2019. Hai quốc gia đã ký một thỏa thuận 5 năm trị giá 7 tỷ USD về việc vận chuyển khí tự nhiên từ Nga sang châu Âu. 

Theo kế hoạch, Nord Stream 2 vốn đã đi vào hoạt động vào cuối năm 2019, nhưng dự án sau đó bị trì hoãn sau khi các đơn xin lắp đặt đường ống tại vùng biển Đan Mạch vẫn trong tình trạng chờ xử lý kể từ tháng 4/2017. Chủ tịch Nord Stream, Gerhard Schroeder, cho rằng chính sức ép chính trị từ phía Hoa Kỳ lên Đan Mạch là lý do gây ra trì hoãn trong công tác phê duyệt giấy phép. Ông khẳng định: “Đan Mạch đang khiến nền an ninh năng lượng của châu Âu rơi vào thế nguy”.

Sau khi Đảng Dân chủ Xã hội Đan Mạch giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Đan Mạch vào tháng 6/2019, chính phủ mới chính thức phê duyệt lá đơn để giúp hoàn tất dự án đường ống của Nga. Tháng 10/2019, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đã phê duyệt giấy phép, cho phép Nord Stream lắp đặt một đoạn đường ống dài 147 km trong Vùng Đặc quyền Kinh tế Đan Mạch (EEZ) về phía đông nam hòn đảo Bornholm của Đan Mạch ở Biển Baltic.

Tháng 8/2020, sau khi nhà lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng novichok, một chất độc thần kinh cấp quân sự do Liên Xô tạo ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải đối mặt với sức ép gay gắt yêu cầu Đức rút khỏi dự án đường ống. Bà Merkel sau đó khẳng định rằng hai vấn đề nên được “tách rời”.

Từ Thức

Theo gatestoneinstitute.org

Ad will display in 09 seconds

Tiết lộ chấn động con người đến từ đâu?

Ad will display in 09 seconds

Quả báo diệt Phật bi thảm trong lịch sử Trung Hoa

Ad will display in 09 seconds

Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

Ad will display in 09 seconds

Các nhà khoa học vĩ đại nói gì về tôn giáo và Thần học?

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

Ad will display in 09 seconds

Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao hòa thượng cướp dâu?

Ad will display in 09 seconds

Tội ác này đã gây diệt vong cả một thành phố cổ đại

Ad will display in 09 seconds

Những linh hồn ở Đại Kim Tự Tháp Giza tiết lộ điều gì?

Ad will display in 09 seconds

Bị đánh bom nguyên tử, vì sao người Nhật vẫn kính trọng tướng Mỹ ?

  • Tiết lộ chấn động con người đến từ đâu?

    Tiết lộ chấn động con người đến từ đâu?

  • Quả báo diệt Phật bi thảm trong lịch sử Trung Hoa

    Quả báo diệt Phật bi thảm trong lịch sử Trung Hoa

  • Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

    Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

  • Các nhà khoa học vĩ đại nói gì về tôn giáo và Thần học?

    Các nhà khoa học vĩ đại nói gì về tôn giáo và Thần học?

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

    Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

  • Vì sao hòa thượng cướp dâu?

    Vì sao hòa thượng cướp dâu?

  • Tội ác này đã gây diệt vong cả một thành phố cổ đại

    Tội ác này đã gây diệt vong cả một thành phố cổ đại

  • Những linh hồn ở Đại Kim Tự Tháp Giza tiết lộ điều gì?

    Những linh hồn ở Đại Kim Tự Tháp Giza tiết lộ điều gì?

  • Bị đánh bom nguyên tử, vì sao người Nhật vẫn kính trọng tướng Mỹ ?

    Bị đánh bom nguyên tử, vì sao người Nhật vẫn kính trọng tướng Mỹ ?

x