Chính phủ Australia ngăn chặn Trung Quốc mua đất nông nghiệp vì sợ nguy hại an ninh quốc gia
Thời gian gần đây chính phủ Úc đã nhận định rằng, việc các doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt mua đất nông nghiệp ở nước này là điều bất thường, và nó sẽ làm nguy hại đến an ninh quốc gia của Úc. Vì vậy họ đã đưa ra biện pháp để ngăn chặn điều này.
Ngày 01/02, chính phủ Úc công khai chính sách mới liên quan đến việc nhà đầu tư nước ngoài mua đất nông nghiệp tại Úc, với nội dung: Kể từ ngày hôm nay (01/02), tất cả các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua đất nông nghiệp tại Úc với trị giá lớn hơn 15 triệu đô la Úc, thì đều phải đệ trình lên Ủy ban thẩm tra đầu tư nước ngoài (Foreign Investment Review Board), và mua bán này chỉ được duyệt nếu nó không ảnh hưởng đến anh ninh quốc gia của Úc.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ tài chính Úc Scott Morrison cũng phát biểu rằng: “Chính phủ Úc luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, miễn là họ không vi phạm lợi ích quốc gia của Úc”.
Ông Scott Morrison giải thích thêm: “Chính phủ đang nghiên cứu chính sách cho những nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời với việc tạo ra cơ hội việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế, cần phải cân đối chính xác những phương diện có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.
Tuy các nhà lãnh đạo Úc không hề đề cập đến Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích đều cho rằng, chính sách mới này của chính phủ Úc là biện pháp ngặn chặn sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước này, cũng là để đảm bảo an ninh quốc gia.
Theo báo cáo của Văn phòng thuế Úc (ATO), các doanh nghiệp Trung Quốc đang ồ ạt mua đất nông nghiệp ở nước này. Số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ đất nông nghiệp doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu tại Úc đã tăng thêm 880% trong 1 năm qua, từ 1,46 triệu ha lên 14,4 triệu ha. Trong đó, có đến 9,1 triệu ha đất là thuộc sở hữu toàn bộ của các công ty Trung Quốc.
Ngoài ra theo thống kê, các công ty Trung Quốc được cho là đã kiểm soát hầu hết diện tích canh tác màu mỡ của Zambia. Ở CHDC Congo nghèo nàn và hỗn loạn, ZTE – một công ty viễn thông của Trung Quốc đã đầu tư vào hệ thống đồn điền 3 triệu ha chuyên trồng cọ dầu. Năm 2013, Trung Quốc gây xôn xao dư luận khi thông báo hợp đồng thuê đất lớn nhất từ trước đến nay: 3 triệu ha đất của Ukraine, tương đương 1/20 diện tích nước này. Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ trả cho Ukraine mỗi năm 2,6 tỷ USD trong vòng 50 năm.
Không chỉ tìm đến các nước nghèo để thuê mua đất, Trung Quốc đang dần chú ý hơn đến các quốc gia phát triển. Từng nổi tiếng với những hợp đồng mua đất tại châu Phi thời gian trước, Trung Quốc gần đây lại được nhắc đến với những thương vụ thu mua đất tại các nước như Pháp, Úc, thậm chí cả Mỹ. Lý do cho sự chuyển hướng đầu tư này là vì đất ở các nước phát triển mang lại ít rủi ro hơn cho bên mua.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc ồ ạt mua đất nông nghiệp ở nước ngoài đã khiến các nước phải thận trọng, bởi nó có thể gây xung đột với lợi ích quốc gia và dẫn đến những vấn đề chính trị. Ngay từ năm 1966, ông Fulbert Youlou, Tổng thống đầu tiên của Congo-Brazzaville (Cộng hòa Congo) đã viết rằng, Trung Quốc “trước sau cũng sẽ biến cả lục địa châu Phi thành một cánh đồng lúa khổng lồ”.
Còn tờ National Geographic thì cho rằng đây là xu hướng các nước giàu có khai thác tài nguyên của các nước nghèo hơn dưới vỏ bọc hợp đồng hợp tác kinh tế. Tờ tạp chí Mỹ này thậm chí còn cảnh báo rằng, trong vòng 50 năm tới, hợp đồng mua đất khổng lồ giữa Trung Quốc và Ukraine có thể trở thành các vấn đề chính trị.
Trở lại với vấn đề của Úc, trước việc doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chân hốt đất ở nước này với tốc độ khủng khiếp trong khi nhà đầu tư các nước khác rút lui, chính phủ Úc đã phải có biện pháp hạn chế. Theo Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison, Úc cam kết giám sát và tăng cường tính minh bạch trong ngành nông nghiệp và đầu tư nước ngoài vào Úc.
Trước đó, trong một chiến dịch “trấn áp” quy mô, Úc đã ép các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, bán lại số điền sản trị giá 134 triệu USD để bảo vệ những lợi ích kinh tế và an ninh của Úc. Chính phủ Úc giải thích rằng, lợi ích kinh tế trước mắt có thể lớn nhưng vẫn phải tính đến những hệ quả an ninh và trật tự xã hội khó lường trong lâu dài.
Lê Hiếu (t/h)