Chim cánh cụt làm thế nào để giữ ấm trong cái lạnh cắt da cắt thịt ở Nam Cực?
Những ngày mùa đông ở Nam Cực, trời đất tối tăm, gió rét lạnh buốt, nhiệt độ thường dưới -300C, chưa kể nếu có bão tuyết thì còn xuống dưới -600C. Làm thế nào chim cánh cụt có thể sống sót trong cái lạnh chết người này?
Hiện nay có 4 loài chim cánh cụt đang sống ở Châu Nam Cực đó là: cánh cụt hoàng đế, cánh cụt Gentoo, cánh cụt quai mũ, và cánh cụt Adelie.
Tất cả những loài chim này đều có khả năng thích nghi đặc biệt để tự giữ ấm, nhưng trong đó chim cánh cụt hoàng đế có lẽ là loài thích nghi tốt nhất. Chúng có thể lặn sâu đến 500m dưới mực nước biển để săn mồi, chịu đựng được áp lực và nhiệt độ nước thấp hơn âm 1.8 độ C.
Cuộc sống trên những tảng băng trôi
Những chú chim cánh cụt hoàng đế con sẽ được sinh ra vào mùa xuân, vì thế chúng có thể sống ở biển trong suốt mùa ấm áp nhất trong năm.
Để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, chim cánh cụt hoàng đế sẽ tập hợp thành một nhóm lớn trên những tảng băng và bắt đầu đẻ trứng vào tháng 4, nở trứng vào tháng 5. Sau đó những con đực sẽ ấp trứng trong 4 tháng suốt mùa đông khắc nghiệt.
Video: Những cú ngã của chim cánh cụt (nguồn: Như Quỳnh)
Trong quãng thời gian này, trời đất thường tối tăm và đầy gió lạnh, nhiệt độ không khí thường xuyên giảm xuống dưới -300C, đôi khi dưới -600C nếu có bão tuyết. Nhiệt độ khắc nghiệt như thế này có thể dễ dàng giết chết một người trong vài phút. Nhưng chim cánh cụt hoàng đế có những đặc điểm đặc biệt và trí thông minh đáng nể giúp chúng có thể chịu đựng được cái lạnh cắt da cắt thịt đó, cố gắng vì một khởi đầu tốt đẹp cho những đứa con của mình.
Một thân hình quá khổ so với cái đầu
Chim cánh cụt hoàng đế có bốn lớp lông chồng lên nhau giúp bảo vệ chúng hoàn hảo khỏi giá lạnh, đồng thời những lớp mỡ dày cũng giúp chúng giữ nhiệt bên trong cơ thể.
Một điều đặc biệt nữa là bạn có bao giờ để ý thân hình chim cánh cụt hoàng đế trông to hơn rất nhiều so với đầu và chân chúng? Đây lại là một đặc điểm thích nghi khác giúp chúng giữ ấm cho cơ thể.
Thông thường vị trí mà người ta cảm thấy lạnh đầu tiên là bàn tay và đôi chân, bởi những bộ phận này cách xa so với cơ thể và sẽ nhanh chóng mất khả năng giữ nhiệt. Vì thế ở chim cánh cụt, mỏ, cánh, chân của chúng đều khá nhỏ nhằm giảm khả năng mất nhiệt ở các bộ phận này.
Tĩnh mạch và động mạch trên những bộ phận này cũng được cấu tạo một cách đặc biệt để giúp chúng có thể tái sử dụng hơi ấm của cơ thể. Điển hình như, cấu tạo của các mạch máu trong đường dẫn bên trong mũi chim cánh cụt có thể giúp chúng lấy lại hầu hết hơi ấm bị mất khi thở.
Và để chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt ở vùng Cực, những chú chim cánh cụt không chỉ có những đặc điểm đặc biệt như lớp mỡ dày và bộ lông không thấm nước, mà còn cả trí thông minh cùng khả năng phối hợp nhóm khiến con người cũng phải “ngả mũ”.
“Làm việc nhóm” để cùng nhau giữ ấm
Chim cụt hoàng đế là một ví dụ tiêu biểu về khả năng phối hợp nhóm để chống lại cái lạnh.
Theo kết quả quan sát của một nhóm các nhà khoa học, khi thời tiết trở nên quá cực đoan, những con chim cánh cụt sẽ tụ lại thành một tập thể lên đến hàng ngàn con. Tuy nhiên, việc nép vào nhau để giữ ấm của chim cánh cụt không hề chỉ đơn giản như chúng ta thấy.
Khi trời quá lạnh, chim cánh cụt hoàng đế sẽ tụm lại gần nhau thành những nhóm lớn lên đến hàng ngàn con. (Ảnh qua Semantic Scholar)
Điều đặc biệt là đội hình chim cánh cụt này không hề đứng yên mà liên tục di chuyển theo một cách hết sức nhịp nhàng và khoa học. Theo đó, hàng ngàn con chim sẽ cùng chuyển động xoay tròn theo cách đưa dần những chú chim nằm trong tâm đội hình (nơi ấm nhất, với nhiệt độ có thể lên đến 21 độ C) ra ngoài rìa (nơi lạnh nhất) và ngược lại những chú chim lúc đầu ở ngoài sẽ được đẩy sâu vào trong.
Mục đích của cách di chuyển này chính là để các chú chim cánh cụt trong đội hình thay phiên nhau chịu lạnh, cũng như được sưởi ấm. Từ đó, cả đàn chim sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn khắc nghiệt dễ dàng hơn.
Không dừng lại ở đó, sự chuyển động của đội hình chim cánh cụt thậm chí còn thích ứng một cách nhanh chóng với tình hình thời tiết. Nghĩa là nếu nhiệt độ càng xuống thấp, đàn chim sẽ di chuyển càng nhanh và ngược lại.
Bảo San (t/h)