Người giàu bị tịch thu tài sản, kết án tử: Chiến dịch ‘mổ heo’ của ĐCSTQ đã bắt đầu!
Việc chính quyền Sơn Tây kết án tử hình và phạt tiền đại gia giàu nhất huyện Liễu Lâm, khiến cư dân mạng bình luận sôi nổi rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu “chiến dịch mổ heo”. Mô hình “hát nhạc cách mạng, diệt trừ cái ác” của Trùng Khánh đã được mở rộng ra cả nước.
Vào ngày 5/11, Tòa án Nhân dân thành phố Trường Trị, tỉnh Sơn Tây, đã công khai tuyên án ông chủ than Sơn Tây Trần Hồng Chí và 78 người khác “phạm tội tổ chức, lãnh đạo tham gia vào tổ chức xã hội đen và các tội ác khác”.
Trong đó Trần Hồng Chí bị tố cáo với 17 tội, bị phán quyết tử hình hoãn thi hành án trong 2 năm. Cao Hải Bình và các nhân viên khác bị kết án tù chung thân không thời hạn và tù chung thân có thời hạn.
Ngoài ra, công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Lăng Chí, Sơn Tây của Trần Hồng Chí và công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Công ty Năng lượng Lăng Chí, Công ty TNHH Vận tải và Tiếp thị Mạnh Môn huyện Liễu Lâm đã bị phạt 4,04 tỷ nhân dân tệ.
Theo các báo cáo chính thức trước đó, sau khi Trần Hồng Chí bị bắt vào tháng 7/2018, tài sản liên quan đã bị tịch biên, niêm phong và đóng băng, với mức đánh giá sơ bộ khoảng 7,84 tỷ nhân dân tệ.
Các phương tiện truyền thông chính thức cũng cho biết, tổng tài sản của Năng lượng Lăng Chí thuộc sở hữu của Trần Hồng Chí lên tới 10 tỷ nhân dân tệ. Nói cách khác, sau loạt án phạt và tịch thu tài sản này, Trần Hồng Chí có thể đã khuynh gia bại sản.
Sau khi Trần Hồng Chí bị bắt, các phương tiện truyền thông cực lực thổi phồng lên về việc nhóm người hoành hành phạm pháp như thế nào, và nói rằng ông ta đã từng tát một bạt tai vào cựu Bí thư huyện ủy Liễu Lâm là Vương Ninh trước mặt mọi người.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng ĐCSTQ là “tổ chức xã hội đen” lớn nhất Trung Quốc, Trần Hồng Chí có thể hoành hành chứng tỏ ông ta có quan chức làm hậu thuẫn.
Bây giờ Trần Hồng Chí đã bị kết án tử hình, tài sản phi pháp hơn 10 tỷ nhân dân tệ, dân mạng sôi nổi nói rằng, đây là phiên bản hiện đại của “đánh cường hào chia ruộng đất”, cho rằng chính quyền của ĐCSTQ ở tất cả các cấp đều bị căng thẳng về tài chính. Mô hình “càn quét băng đảng” cướp bóc tài sản xí nghiệp của Trùng Khánh đã lan ra cả nước.
Một số cư dân mạng bình luận rằng “Một vài năm sau, các nhà buôn bán bất động sản sẽ kết thúc như thế này”, “Liệu họ (ĐCSTQ) có phát điên đến nỗi bắt Lý Gia Thành không?”.
Một số cư dân mạng cho rằng thà bắt các quan chức tham nhũng còn hơn là bắt các công ty tư nhân: “Vơ vét của cải như thế chậm quá rồi, phá hủy một tấm bảng của Bí thư thị ủy Hải Khẩu Trương Kỳ là đã có 2600 tỷ rồi. Cho nên chống tham nhũng vẫn có hiệu suất cao hơn”.
Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang trượt dốc nhanh chóng và cuộc khủng hoảng bong bóng bất động sản đã khiến tài chính đất đai của ĐCSTQ bị tổn hại, tài chính chính phủ thiếu thốn nghiêm trọng.
Chính quyền đang tăng cường kiểm soát tài sản của các công ty tư nhân, bao gồm việc phái quan chức đến các doanh nghiệp tư nhân, tiếp quản tài chính của các doanh nghiệp tư nhân, v.v. Trong số đó, bắt giữ các doanh nhân và tịch thu tài sản trên cơ sở chống tham nhũng hoặc cáo buộc với các tội danh khác là cách nhanh nhất để ĐCSTQ vơ vét của cải.
Trước đó, công ty năng lượng An Bang, Minh Thiên Hệ, Hoa Tín và các công ty đứng đầu khác đã lần lượt bị các cơ quan chính phủ “tiếp quản”. Gần đây, Bộ Ngoại giao gửi công văn khuyến khích nhân viên tố cáo “hành vi phạm tội” của công ty mình.
Dư luận lo lắng rằng ĐCSTQ có thể đang phát động một chiến dịch chính trị khác để chuẩn bị cho việc cướp bóc tài sản tư nhân và thực hiện “công tư hợp doanh”.
Trong bối cảnh này, chiến dịch “Đánh cường hào chia ruộng đất” của ĐCSTQ cũng đã mở rộng sang Hồng Kông. Hôm 26/9, Cục Đất đai Hồng Kông đã đưa ra thông báo rằng, căn cứ theo “Pháp lệnh thu hồi đất” cùng 5 điều khoản luật tương quan, chính phủ sẽ thu hồi 784 lô đất tư nhân (ước tính là 68 hecta), cùng với 9 phần mộ chiếm diện tích khoảng 752.8 m2. Theo thông báo đưa ra, sau 3 tháng, tức sau ngày 27/12, chủ sở hữu các lô đất kể trên phải đem đất “trả lại” chính phủ, phía chính phủ sẽ “đền bù tổn thất đặc biệt ưu đãi”.
Theo đó, giá đền bù “đặc biệt ưu đãi” mà Cục Đất đai Hồng Kông đã đưa ra là 1124 đô-la Hồng Kông cho một mét vuông đất (hơn 3,3 triệu VND), mức giá chỉ bằng 1/10 so với giá thị trường. Một số đại gia bất động sản ở Hồng Kông đã buộc phải “quyên hiến” hoặc “bán giá thấp” đất quy mô lớn cho chính phủ.
Gia Hưng (Theo NTDTV)