Cha đẻ World Wide Web: Đừng bỏ lại một nửa thế giới offline
Vào ngày 5/11 vừa qua, nhà khoa học máy tính người Anh Tim Berners-Lee, đồng thời là nhà phát minh World Wide Web (WWW), kêu gọi các công ty và chính phủ không nên bỏ lại một nửa dân số chưa được truy cập Internet, bao gồm cả hàng tỷ phụ nữ và bé gái trên toàn cầu.
Cụ thể tại buổi khai mạc Hội nghị công nghệ lớn nhất châu Âu Web Summit, ông Tim Berners-Lee nói rằng mọi người đã cho rằng sự đột phá năm 1989, kết nối nhân loại với công nghệ, sẽ dẫn đến nhiều điều tốt đẹp hơn, và quả thực nó đã tốt đẹp trong một khoảng thời gian.
Tuy nhiên ông cũng nói rằng Internet đã “đến tuổi trưởng thành” và mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ với tin giả cùng các vấn đề về quyền riêng tư, những lời nói đầy thù hận, sự phân cực chính trị và sự phân chia kỹ thuật số ngày càng gia tăng giữa nước giàu và nước nghèo.
Do vậy ông kêu gọi các công ty và chính phủ tham gia “hợp đồng hoàn chỉnh” cho web để giúp Internet “an toàn và dễ tiếp cận hơn” với mọi người vào tháng 5/2019, để cùng nhau xây dựng lại niềm tin trên Internet và tìm cách kiếm tiền mới, điều tiết và đảm bảo quyền truy cập công bằng, hợp lý cho thế giới trực tuyến trên toàn cầu.
Tại buổi khai mạc Hội nghị Web Summit lần thứ 9, ông Berners-Lee, 63 tuổi cho biết: “Mọi thứ chúng ta đang làm… là nhằm mục đích giúp web trở nên mạnh mẽ hơn. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang gia tăng sự phân chia kỹ thuật số”. Và “chúng ta có nghĩa vụ chăm sóc cả hai phần của thế giới này”.
Theo Teuters, khoảng 70.000 người dự kiến sẽ tề tựu về hội nghị Web Summit diễn ra trong bốn ngày ở châu Âu, quy tụ nhiều diễn giả từ các chính trị gia, hãng công nghệ hàng đầu và startup kỳ vọng thu hút sự chú ý của hơn 1.500 nhà đầu tư đã lên lịch tham gia.
Hàng tỷ người bị tách biệt
Ông Berners-Lee nhấn mạnh các nghiên cứu cho thấy vào năm 2019, số người tham gia vào mạng trực tuyến sẽ cán mốc một nửa dân số thế giới. Nhưng tỉ lệ tiếp nhận sẽ có sự suy giảm đáng kể. Điều này có thể khiến hàng tỉ người bị tách khỏi các dịch vụ của chính phủ, giáo dục và diễn đàn tranh luận công khai.
Ngay sau đó mối quan tâm của ông đã được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc – ông Antonio Guterres lặp lại để nhấn mạnh sự cần thiết cho một “tương lai kỹ thuật số an toàn và có lợi cho tất cả mọi người”. Mục đích sau cùng của điều đó chính là đáp ứng các mục tiêu toàn cầu của Liên Hợp Quốc, kết thúc sự bất bình đẳng và sự nghèo đói cùng cực vào năm 2030.
Trong năm 2016, Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua nghị quyết nhằm làm gián đoạn các hành động truy cập Internet vi phạm nhân quyền. Theo đó người đứng đầu tổ chức từ thiện của Google, bà Jacqueline Fuller cho biết đó là một cột mốc quan trọng để Internet tiếp cận mọi người trong 30 năm tới. Hiện tại công ty của bà là một trong 50 tổ chức đã đăng ký tham gia hiệp ước do Tổ chức World Wide Web của ông Berners-Lee phát triển.
Thêm vào đó, những người ủng hộ khác còn có Facebook, chính phủ Pháp và tỷ phú người Anh Richard Branson. Bà Fuller cũng nói tại hội nghị Web Summit rằng: “Đây là cơ hội tuyệt vời cho chúng ta”, nhất là đối với “phụ nữ và trẻ em gái ít có khả năng tiếp cận Internet hơn”.
Và mặc dù phía trước vẫn còn nhiều thách thức, nhưng Berners-Lee cho biết ông rất lạc quan về tương lai của Internet. Ông nói: “Mô hình tài trợ dựa trên quảng cáo không phải hoạt động theo cùng một cách. Nó sẽ không phải tạo ra clickbait (thuật ngữ mô tả nội dung web mang tính tiêu cực cố gắng tạo ra doanh thu quảng cáo trực tuyến dựa vào hình ảnh thu nhỏ bắt mắt hoặc các tiêu đề giật gân để thu hút người dùng nhấp chuột)”.
Tú Văn, theo Epoch Times