Câu chuyện sau chiếc bàn thờ được đặt trên xe xích lô ở bờ biển Nha Trang
Sau khi ông Hải mất, chính quyền và người dân đã đứng ra giúp đỡ đem người đi hỏa táng. Ngay trên xe xích lô của ông, chiếc bàn thờ nhỏ được lập ra để người qua đường ai thương có thể ghé thắp cho ông nén nhang. Người ta chẳng ai biết người thân ông là ai, chỉ biết duy nhất chiếc xích lô này vừa là mái nhà, vừa là công cụ để ông kiếm sống suốt 20 năm qua.
Ông Hải quê gốc ở Hà Tĩnh, dòng đời đưa đẩy ông đến với vùng đất du lịch Nha Trang làm nghề đạp xích lô đã hơn 20 năm. Ông không có nhà, không người thân, không ở hay thuê phòng trọ, mọi sinh hoạt, ăn ngủ đều gói gọn trên chiếc xe cũ.
Cách đây vài tháng, ông không may qua đời, cảm thương cho người đàn ông có số phận bất hạnh, suốt mấy mươi năm vất vả mưu sinh, đến khi mất cũng không có một người thân thích bên cạnh lo toan. Người ta đồng lòng phụ giúp đem ông đi hỏa táng, những người cùng làm nghề với ông thì xin chính quyền cho lập bàn thờ ngay trên chiếc xích lô của ông.
Trên chiếc xe nhỏ nằm một góc ở bãi đỗ xe trong Công viên, đoạn đối diện là đường Tuệ Tĩnh, gần đó là bờ biển tấp nập người qua kẻ lại, trong xe có đặt di ảnh ông, bên cạnh có mấy bông cúc vàng, phía trước là một chậu bông vạn thọ và một số món đồ người ta đem viếng lên như bánh, rượu… Bạn bè đạp xích lô mỗi khi đi qua lại thay phiên nhau thắp cho ông nén nhang, mong ông bớt cô đơn phần nào.
Họ còn làm cho ông một chiếc nồi nhôm treo bên cạnh xe để đốt tiền vàng mã không bị bay bụi tro. Ngoài ra, trên xích lô đặt thêm một chiếc hộp sắt, trên hộp có khoét lỗ để người hảo tâm có thể bỏ chút tiền lẻ ủng hộ vào, bên cạnh có tấm bảng viết: “Người cô thế, nhờ sự giúp đỡ của mọi người để có tiền nhang khói…”.
Một đồng nghiệp của ông Hải cho biết, sở dĩ họ để bức di ảnh trên xe của ông không chỉ để ông bớt cô đơn, họ còn mong rằng, nếu người nhà ông có đi tìm thì cũng nhận ra để đưa ông về.
Ông Hải đã mất được vài tháng rồi, mùa Tết vừa qua, bạn bè hay người dân xung quanh ai cũng thấy tội nghiệp ông không có ai sắp xếp ma chay hay thờ cúng đàng hoàng, từ đó ai đi qua cũng đốt cho ông một nén nhang ấm, mang thêm bịch bánh mua vội ven đường hay cả một chai rượu trắng, để cho ông Hải bớt đi phần nào tủi thân và cô đơn trong ngày cuối năm sum vầy.
Mạch Khê (t/h)