Câu chuyện luân hồi của bá tước Saint Germain – Bậc thầy của sự thông thái cổ đại
Bá tước Saint Germain (St Germain) là một nhân vật có thật trong lịch sử châu Âu ở thế kỷ XVIII. Ông là một trường hợp bất tử nổi tiếng được ghi lại trong lịch sử. Tuy nhiên, có một câu chuyện khác còn kỳ lạ hơn kể rằng thực ra ông đã chuyển sinh nhiều lần trước khi đầu thai thành Saint-Germain.
Nhiều nhà khoa học khẳng định ông sinh vào những năm 1.600, nhưng nhiều người khác lại tin rằng ông đã ra đời từ trước công nguyên. Nhiều người đã chứng kiến ông xuất hiện vào những năm 1970 với vẻ ngoài chỉ như mới 45 tuổi.
Ông được biết đến cùng với những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử châu Âu như Casanova, Madame de Pampadour, Voltaire, vua Louis XV, Catherine Đại đế, Anton Mesmer và những người khác. Theo nhà khoa học Annie Besant, ông là con trai của Francis Racoczi II, hoàng tử xứ Transylvania năm 1690.
Bá tước Saint Germain nổi tiếng vì là một nhân vật có hành tung bí ẩn. Ông dường như là người đàn ông không có tuổi, và luôn luôn toát lên vẻ sang trọng, quý phái của một người mang dòng máu hoàng gia. Người ta viết về ông như một nhà giả kim có kiến thức uyên bác, có thể biến sắt thành vàng, nung chảy kim cương, hay một nhà ngoại giao tài ba tinh thông 12 ngoại ngữ, từ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý đến tiếng Hoa, tiếng Phạn……
Tuy nhiên, có một câu chuyện khác còn kỳ lạ hơn được ghi chép trong lịch sử về vị bá tước này. Trong đó nhiều người tin rằng Saint-Germaine là một bậc thầy của sự thông thái cổ xưa. Ông lãnh đạo một hệ thống tín ngưỡng, tin rằng con người có thể đầu thai chuyển kiếp và có thể đạt được cảnh giới trí tuệ uyên thâm, thống nhất các khía cạnh tinh thần và vật chất trong vũ trụ. Người ta cho rằng những bậc thầy này cũng đạt được cảnh giới thăng thiên giống như Chúa Giê-su trong Kinh Thánh. Những môn đệ của ông tin rằng thực ra ông đã chuyển sinh nhiều lần trước khi đầu thai thành Saint-Germaine.
Câu chuyện luân hồi của Bá tước Saint Germain
Tương truyền rằng hơn 50.000 năm trước, hiện thân của Saint Germain là người cai trị của một nền văn minh trong thời đại hoàng kim ở một đất nước trù phú, nơi giờ đây là sa mạc Sahara. Là hoàng đế trị vì, Saint Germain là một bậc thầy của sự thông thái cổ xưa. Đế chế của ông đạt đến một đỉnh cao của cái đẹp, tính đối xứng và sự hoàn hảo không thể vượt qua trong cảnh giới vật lý. Khi người dân của nền văn minh này trở nên ham thích các thú vui trần thế, đạo đức trở nên ngày càng suy thoái và không còn tin vào Thượng Đế, ông đã quyết định rời khỏi nơi đây.
Một đời khác của ông là linh mục tối cao của Ngôi đền Lửa tím trên xứ sở Atlantis 13.000 năm trước. Vào thế kỷ thứ 11 TCN, hiện thân của Saint Germain là nhà tiên tri Samuel. Ông là một lãnh tụ tôn giáo xuất chúng trong một thời đại vô thần, là vị thẩm phán Israel cuối cùng và nhà tiên tri đầu tiên của đất nước này.
Saint Germain cũng từng hiện thân là Thánh Joseph, cha của Chúa Jesus và chồng của Mẹ Mary. Có rất ít tài liệu tham khảo về ông trong kinh Tân Ước. Joseph được cho đã từng là một thợ mộc và đã qua đời trước khi Chúa Jesus bắt đầu giảng đạo. Trong truyền thống Công giáo, Thánh Joseph được tôn kính như Người bảo hộ của Toàn thể Giáo Hội, và ngày lễ của ông được tổ chức vào ngày 19/3.
Vào cuối thế kỷ thứ ba, Saint Germain hiện thân là Saint Alban, người tử đạo đầu tiên của nước Anh. Alban sống ở nước Anh trong giai đoạn Thiên chúa giáo bị khủng bố bởi hoàng đế La Mã Diocletian. Alban vì che giấu một linh mục thiên chúa giáo đang chạy trốn tên là Amphibalus, một người đã cải đạo ông, mà bị kết án tử hình. Truyền thuyết kể rằng lúc đó có quá đông quần chúng tập hợp lại và họ không thể qua được cây cầu hẹp để chứng kiến buổi hành hình của ông. Alban đã cầu nguyện và dòng sông đã rẽ nước để mở ra một lối đi cho đám đông, ngay lúc đó người đao phủ được chỉ định cho ông đã chuyển tâm và xin được chết thay cho ông. Yêu cầu này bị từ chối và người đao phủ bị chém đầu cùng với Alban.
Ở một đời khác, Saint Germain làm việc trong nội giới như một chân sư trợ giúp những người theo thuyết Tân Platon (Neoplatonists). Ông lấy cảm hứng từ triết gia Hy Lạp Proclus (khoảng 410- 485 TCN), hiệu trưởng danh dự nhất của Học viện Plato tại Athens. Tác phẩm của Proclus đề cập đến hầu hết các môn khoa học, từ triết học, thiên văn học đến toán học và ngữ pháp. Ông thừa nhận rằng sự giác ngộ và triết lý của ông đến từ bề trên và ông tin rằng mình là một người trung gian mang mặc khải thần thánh đến với nhân loại.
Ở thế kỷ V, Saint Germain hiện thân là Merlin – nhà giả thuật kim, tiên tri và cố vấn cho triều đình của Vua Arthur. Trong một vùng đất bị phân tán bởi các thủ lĩnh chiến tranh và chia rẽ bởi những kẻ xâm lược Saxon, Merlin dẫn Arthur vượt qua mười hai trận chiến để thống nhất vương quốc Anh. Trong một số truyền thống, Merlin được mô tả như một nhà hiền thánh đã nghiên cứu những vì sao và những lời tiên tri của ông đã được ghi lại bởi 70 thư ký. Những lời tiên tri của Merlin, quan hệ tới các sự kiện kéo dài từ thời Arthur cho tới tương lai khá xa, đã được phổ biến trong thời Trung Cổ.
Saint Germain từng là Roger Bacon (1220-1292), triết gia, nhà cải cách giáo dục và nhà khoa học thực nghiệm. Trong một thời đại mà thần học hay logic hoặc cả hai quyết định các tham số của khoa học, ông đã thúc đẩy phương pháp thực nghiệm, tuyên bố niềm tin của ông là thế giới tròn và khiển trách các học giả và nhà khoa học cùng thời vì đầu óc hạn hẹp của họ. “Kiến thức thực sự không phải bắt nguồn từ quyền lực của người khác, cũng như không phải từ sự trung thành mù quáng với những giáo điều lỗi thời”, ông nói. Bacon cuối cùng rời bỏ vị trí giảng viên tại Đại học Paris và gia nhập dòng tu Francis.
Trong đời mình, ông đã nổi tiếng về những nghiên cứu thấu đáo về thuật giả kim, quang học, toán học và ngôn ngữ. Ông được xem như là ông tổ của khoa học hiện đại và nhà tiên tri của công nghệ hiện đại. Ông dự đoán về khinh khí cầu, máy bay, kính đeo mắt, kính thiên văn, kính hiển vi, thang máy, và tàu máy, toa xe, và đã viết về chúng như thể đã thực sự nhìn thấy.
Saint Germain cũng đã hiện thân là Christopher Columbus (1451-1506), người phát hiện ra Châu Mỹ. Hơn hai thế kỷ trước khi Columbus ra khơi, chính Roger Bacon đã tạo tiền đề cho chuyến đi của Columbus đến Tân Thế giới khi ông tuyên bố trong tác phẩm Opus Majus rằng “vùng biển nằm giữa phần cuối của Tây Ba Nha ở phía tây và phần đầu của Ấn Độ về phía đông có thể đi qua chỉ vài ngày nếu gió thuận”. Mặc dù tuyên bố này không chính xác khi vùng đất ở phía tây của Tây Ban Nha không phải Ấn độ, nó lại là một công cụ cho khám phá của Columbus.
Một đời khác của ông là Francis Bacon (1561-1626), một triết gia, chính khách, nhà bình luận và bậc thầy văn học. Bacon được xem là bộ óc vĩ đại nhất mà phương Tây từng tạo ra, nổi tiếng là cha đẻ của phương pháp khoa học và suy luận quy nạp, đóng góp lớn cho thời đại công nghệ mà chúng ta đang sống. Ông cũng được xem là tác giả thực sự của hầu hết các tác phẩm của William Shakespeare.
Tiếp đó, ông xuất hiện như là Bá tước Saint Germain, một quý ông đã làm sững sờ các triều đình trong thế kỷ 18 và 19 ở châu Âu, nơi họ gọi ông là Người kỳ diệu (The Wonderman).
Bá tước Saint Germain là một nhà thuật giả kim, nhà học giả, nhà ngôn ngữ, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, người kể chuyện và nhà ngoại giao được ngưỡng mộ trên khắp các triều đình châu Âu vì sự tinh thông của ông. Ông nổi tiếng với những kỳ công như loại bỏ những vết nứt trong kim cương và các loại đá quý khác, đồng thời soạn thư bằng tay này và viết thơ bằng tay kia.
Triết gia Voltaire nổi tiếng sống ở thế kỷ XVIII đã nói về vị bá tước đặc biệt này là “một người đàn ông bất tử và thông tuệ mọi điều”.
Hồng Liên (t/h)