Cảm động chuyện em gái ‘thề không lấy chồng’ chăm chị bệnh gần 1 thế kỷ
Thương chị bệnh tật, người em gái thề không lấy chồng, ở vậy để chăm sóc chị. Giờ đây cả hai đều đã ở ngưỡng tuổi 90 nhưng vẫn gắn bó với nhau như hình với bóng, dìu dắt nhau qua những cơn đau yếu với sự giúp sức của người cháu trai hiếu thảo.
Sáng, tiết trời hơi se lạnh, ông Nguyễn Trung Lực (59 tuổi) chưa vội lo khâu vệ sinh cho hai cô ruột của mình là bà Nguyễn Thị Chế (89 tuổi), và bà Nguyễn Thị Ngự (93 tuổi).
Thề không lấy chồng, ở vậy nuôi chị
Nhìn em gái nằm trên giường, bà Ngự bỏm bẻm nhắc lại chuyện xưa, chuyện từ khi hai chị em còn nhỏ, đến chuyện của ngày đã lớn.
Hai bà sinh ra trong một gia đình gồm 8 anh chị em. Ngày đó cả hai đều nổi tiếng xinh đẹp trong làng, thế nhưng có lần đi chăn trâu bất cẩn đụng nhầm tổ ong vò vẽ mà bà bị “bầy ong chích cho tối mày tối mặt. Về đau miết…”. Cũng kể từ đó mà cuộc sống của hai chị em thay đổi.
Ông Lực gọi bà Ngự là cô Sáu, ông nói tiếp câu chuyện rằng, năm cô Sáu khoảng 17 tuổi, cô bị cả tổ ong đốt thập tử nhất sinh. Tuy may mắn không chết nhưng hậu quả là đôi chân bị tật nguyền, đi lại khó khăn. Thương chị, cô Bảy (bà Chế) thề không đi lấy chồng, ở vậy chăm chị, chăm cha mẹ.
Nói là làm, từ đó dù có nhiều đám đến dạm hỏi nhưng cô kiên quyết không chịu lấy ai. Ở nhà, cô Bảy một mình gánh luôn cả phần nặng nhọc trong nhà cho chị mình.
Thời gian qua đi, anh chị em trong gia đình lần lượt yên bề gia thất mà cô Bảy vẫn sớm tối cận kề bên chị.
Càng có tuổi, đời sống của hai bà càng khó khăn hơn. Hơn một năm trước, hai bà sống trong ngôi nhà nhỏ ở đội 3, xóm Bình An, thôn Xuân Yên, xã Bình Hiệp, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ông Lực thương hai người cô già yếu sống đơn chiếc, không có ai bên cạnh nên đã cùng con cái đưa 2 cô về nhà mình để chăm sóc.
Năm 2020, có lần bà Chế bị trượt chân ngã trong ngày mưa, từ đó đến nay bà nằm liệt giường, không đi lại được. Thế là lại thành chị chăm em. Nhiều đêm bà Chế bị đau, kêu la không ngủ, bà Ngự lại mò mẫm đấm lưng, xoa bóp cho em mình.
Trọn đạo hiếu, tình
Ông Lực kể tiếp, hơn 10 năm trước, trước khi qua đời, ông nội có dặn ông rằng hãy lo cho hai cô ruột của mình. Lúc hai bà ở nhà khác, gia đình ông thường thay phiên nhau tới cơm nước, chăm sóc cho hai bà.
Sau này khi đưa hai cô về ở chung với gia đình mình, ông Lực lại càng kỹ càng hơn. Hằng ngày, tùy theo mùa, ông và các con của mình cùng vệ sinh, tắm rửa, lo cơm nước cho hai cụ bà.
Hai người con gái của ông là Nguyễn Thị Như Bút (37 tuổi) và Nguyễn Thị Kim Ngân (31 tuổi) theo đó dù đã có gia đình riêng nhưng ngày nào cũng thay phiên nhau về giúp cha lo cho hai bà cô chuyện cơm nước, vệ sinh, tắm rửa.
“Làm con cháu, với cha mẹ phải biết hiếu thảo, với người thân phải biết hiếu nghĩa, kính trọng và yêu thương. Mình làm vậy, con cái mình mới kính trọng, gia đình mới yêu thương nhau hơn”, ông Lực chia sẻ.
Ông Lực còn khuyên các con mình phải tận lòng chăm sóc cho hai bà cô vì họ không lập gia đình riêng nên chưa bao giờ cảm nhận được tình thương từ con cháu nội ngoại.
Từ ngày vợ mất, ông Lực gà trống nuôi con, giờ các con đều có gia đình riêng, lẽ ra ông đã hưởng thanh nhàn nhưng vì lo tròn đạo hiếu với hai cô ruột mà ông đã gác lại cuộc sống riêng để phụng dưỡng hai cô.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Bình Hiệp, ông Nguyễn Xuân Hiền, chính quyền địa phương cũng thường đến thăm hai cụ bà. “Càng lớn thì đau ốm nhiều hơn, nhưng theo quy định thì trợ cấp chỉ 1 triệu đồng/người. Vì vậy, cuộc đời còn lại của hai cụ đều do ông Lực lo toan”, ông Hiền cho biết.
Theo Thanh Niên