Các phương pháp chữa dị ứng theo mùa của Đông y và Tây y
Thời tiết chuyển mùa là lúc cơ thể dễ mắc bệnh nhất, căn bệnh phổ biến mà nhiều người mắc phải chính là dị ứng theo mùa. Vậy nguyên nhân do đâu và phương pháp điều trị của nó?
Cái nóng của mùa hè đã biến mất và mùa thu mát lạnh đã đến. Thời tiết mát mẻ và không khí trong lành khiến mùa thu trở thành mùa lý tưởng để ra ngoài tận hưởng thiên nhiên.
Nhưng có lẽ những người bị dị ứng theo mùa sẽ không thấy mùa thu thú vị. Trong khi nhiều người thong dong tận hưởng khí trời thu man mát dễ chịu, những người dị ứng lại bận hắt hơi, ho hen, đau rát mắt và chảy nước mũi. Đối với họ, vào thời khắc các mùa chuyển giao, những triệu chứng bệnh của họ lại thường xuyên tái phát.
Những loại dị ứng này được gọi là viêm mũi dị ứng. Trong Đông y, viêm mũi dị ứng chủ yếu được quy về chức năng phổi, lá lách và thận yếu. Có thể nói những cơ quan này bị “lạnh” khi thiếu hụt năng lượng. Khi phổi lạnh, cơ thể người sẽ rất dễ bị bệnh và hắt hơi. Lá lách lạnh là nguyên nhân gây tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, và nghẹt mũi khi ăn đồ lạnh. Khi thận lạnh, toàn thân cũng cảm thấy lạnh, vì vậy cơ thể không thể chống đỡ được gió lạnh và khiến sức chịu đựng thể chất yếu đi. Đông y cho rằng, khí trời lạnh và vài loại thực phẩm có thể khiến phổi tổn thương.
Khi cơ thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ lạnh, chẳng hạn như khi đi dưới mưa, bơi nước lạnh, hay khi sử dụng đồ uống, đồ ăn lạnh, thì mũi sẽ bị nghẹt và người ta hắt hơi. Có quan niệm cho rằng, tắm nước lạnh vào mùa đông là một phương pháp tốt để rèn luyện cơ thể. Có thể điều đó sẽ ổn thôi nếu bạn sở hữu một cơ thể cường tráng khỏe mạnh, nhưng khả năng bạn bị chảy nước mắt hoặc sổ mũi thì nhiều hơn.
Trong Tây y, “phương thuốc” chữa trị dị ứng là dùng thuốc kháng histamin. Phun thuốc này vào mũi có thể làm giảm các triệu chứng ngay tức thì. Tất cả ba loại kháng histamin kéo dài – cụ thể có ba dạng: dài hạn, trung bình và ngắn hạn – đều nhắm vào các dưỡng bào trong máu. Nếu được kích hoạt, những dưỡng bào này sẽ giải phóng histamin. Sau khi được giải phóng, histamin làm cho các mạch máu mở rộng và thúc đẩy các mô tạo ra chất nhầy, làm chảy nước mũi. Thuốc kháng histamin có chức năng ngăn chặn các dưỡng bào kích hoạt giải phóng histamin, từ đó bạn hết sổ mũi. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc kháng histamin là gây buồn ngủ. Các loại thuốc ngủ không kê đơn bán tại hiệu thuốc đều là thuốc kháng histamin.
Còn các bác sĩ Đông y cho rằng, người bị dị ứng đang thiếu hụt năng lượng, và dị ứng là bệnh mãn tính, tương đối khó chữa. Những người bị mắc chứng dị ứng thường hay hắt hơi và chảy nước mắt, nước mũi. Thuốc tây chỉ điều trị các triệu chứng dị ứng theo mùa, vì vậy tình trạng này vẫn sẽ tiếp tục tái diễn mỗi năm. Ngược lại, phương pháp chữa bệnh của Đông y là phải chăm sóc phổi, lá lách và thận. Khi thận khỏe lên, nó khiến các dưỡng bào ít được kích hoạt hơn, từ đó ngăn chặn các triệu chứng chảy nước mũi.
Xuân Nhạn, theo Visiontimes