Các nhà khoa học thừa nhận ‘hồi tưởng kiếp nhân sinh’ là hoàn toàn có thật
Mới đây, các nhà khoa học đã thừa nhận rằng hồi tưởng kiếp nhân sinh là có thật, và người cận tử có thể nhìn lại cả cuộc đời trong khoảnh khắc.
Không chỉ có trên phim ảnh
Hồi tưởng kiếp nhân sinh là một hiện tượng rất quen thuộc trên điện ảnh, cũng như trong các tác phẩm văn học. Đó là khi một người thấy cả cuộc đời họ hiện ra trước mắt, như một cuốn phim tua nhanh thời gian và nhấp nháy sáng.
Một người đang hấp hối hoặc trong tình trạng cận tử, khoảnh khắc của một vụ tai nạn hay trước khi gây mê phẫu thuật… Bất kể một trường hợp căng thẳng tinh thần nào cũng có thể được đạo diễn tận dụng, để chiếu lại những sự kiện trong cuộc đời nhân vật.
Nhưng ngoài đời thực thì sao? Liệu hồi tưởng kiếp nhân sinh có thật và nếu vậy chúng ta phải giải thích thế nào về nó?
Nghiên cứu mới này đã rọi luồng ánh sáng vào một trong những hiện tượng thần kinh hấp dẫn nhất, cuốn hút sự tò mò của bao thế hệ.
Hiện tượng hhồi tưởng kiếp nhân sinh được các nhà khoa học nước ngoài gọi là Life-review experience (LRE). Mặc dù đã trở thành một nguồn cảm hứng và chất liệu trong vô số tác phẩm văn học và điện ảnh, có rất ít nghiên cứu khoa học giải đáp được câu hỏi: Liệu hồi tưởng kiếp nhân sinh có thực và cơ chế hoạt động của hiện tưởng này là gì?
Bởi vậy, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Hadassah muốn tiếp tục đi tìm câu trả lời. Họ đã phỏng vấn sâu với 7 người từng trải nghiệm hiện tượng hồi tưởng kiếp nhân sinh. Sau đó, kết quả phỏng vấn được tổng hợp và đúc kết thành một bộ câu hỏi chuẩn, gửi tới 264 người khác cũng từng trải nghiệm hiện tượng này trong đời.
Tất cả các ứng viên sẽ mô tả chi tiết kinh nghiệm của mình đối với hiện tượng này, bằng cách trả lời những câu hỏi gợi ý.
Mặc dù có điểm giống với những gì mà bạn đã được xem trên phim ảnh, nghiên cứu chỉ ra hồi tưởng kiếp nhân sinh trong đời thật sẽ có những khác biệt. Chẳng hạn như, các ứng viên mô tả kỷ niệm của họ thường đến không theo thứ tự. Mọi kí ức sẽ hiện ra một cách ngẫu nhiên.
Một người đàn ông viết trong bảng trả lời rằng: “Không có một sự tuyến tính nào, và thời gian ở đó không hề có điểm kết thúc… Cứ như là tôi đã ở đó trong hàng thế kỷ, nhưng không phải trong không-thời gian thực tại, nên những câu hỏi này thật khó để trả lời”.
“Ở đó có gì gọi là một khoảnh khắc, hay một ngàn năm? Cả hai đều không tồn tại. Mọi chuyện như xảy ra cùng một lúc. Cũng giống như những người khác đã trải qua cảm giác cận tử, một số kí ức của tôi trở lại cùng thời điểm, nhưng tâm trí của tôi vẫn phân tách được chúng ra thành các sự kiện khác nhau”.
Sự thú vị chưa dừng lại ở đó, một trong những hiệu ứng phổ biến nhất của hồi tưởng kiếp nhân sinh là khả năng trải nghiệm cảm xúc từ góc nhìn của người khác. “Tôi đã có thể nhập vào từng người và cảm nhận được những nỗi đau trong cuộc sống họ từng trải qua”, một người mô tả lại kinh nghiệm của mình. “Tôi được cho phép trở thành một phần của họ và cảm nhận những cảm giác của họ”.
Một người khác chia sẻ: “Tôi đã nhìn thấy, cảm thấy những điều thuộc về ông ấy (người cha), và ông đã chia sẻ với tôi những kí ức về tuổi thơ của ông, những khó khăn mà ông vượt qua trong quá khứ”.
Từng người một tham gia vào nghiên cứu đều khẳng định rằng sau khi trải nghiệm hồi tưởng kiếp nhân sinh, họ trở lại cuộc sống với một cái nhìn mới về những người quan trọng bên cạnh, và những sự kiện quan trọng trong cuộc đời mình.
Các nhà khoa học nhận định rằng: Không những hồi tưởng kiếp nhân sinh là có thực, nó còn có nguồn gốc có thể đoán biết được. Ví dụ như họ cho rằng hiện tượng này bắt nguồn từ phần não trán trước, trung thái dương và vỏ đỉnh não.
Các phần não này có thể bị thiếu máu và oxy, trong nhiều trường hợp như nạn nhân trải qua một chấn thương nghiêm trọng hoặc sắp từ trần. Đó có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng hồi tưởng kiếp nhân sinh.
Kết luận trên tạp chí Consciousness and Cognition, các nghiên cứu viết: “Sự trải nghiệm lại sự kiện trong đời, gọi là LRE (hồi tưởng kiếp nhân sinh), là một hiện tượng với các đặc tính được xác định rõ, các cấu thành của nó cũng có thể được ghi nhận ở người khỏe mạnh”.
“Điều này chứng tỏ rằng một hiện thân của các kí ức trong đời luôn tồn tại một cách liên tục trong hệ thống nhận thức, và có thể xuất hiện ra trở lại trong một điều kiện tâm lý và sinh lý khắc nghiệt”.
Theo Genk