Các nhà khoa học phát hiện vũ trụ đang bắt đầu chết dần
Qua kết quả quan sát nhiều thiên hà, các nhà khoa học phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy vũ trụ đang bắt đầu chết dần và quá trình này có thể kéo dài đến 10 tỷ năm, Nature World News hôm 4/12 đưa tin.
Theo Express, sau khi nghiên cứu hơn 200.000 thiên hà, các chuyên gia kết luận mức năng lượng trong vũ trụ đang giảm xuống do sự hợp nhất vật chất xảy ra ở các ngôi sao. Mức năng lượng hiện nay không bằng một nửa so với 2 tỷ năm trước.
Họ cũng nhận thấy tốc độ hình thành ngôi sao mới của thiên hà đang chậm lại. Nhiều nhà khoa học cho biết quá trình suy tàn của vũ trụ có thể kéo dài đến 10 tỷ năm, nhưng con số chính xác đến nay chưa được xác định.
Ngoài ra, sự già đi của vũ trụ có thể được quan sát từ chính Mặt Trời. Mức năng lượng của nó ước tính sẽ giảm xuống trong hơn 1.000 năm tới. Cùng với việc vũ trụ già đi, Mặt Trời cũng bắt đầu nguội lạnh.
Nhiệt độ của các sao lùn trắng, các ngôi sao có khối lượng thấp và trung bình “chết”, là thấp nhất. Khi ngày càng có nhiều sao lùn trắng được phát hiện, các nhà khoa học nảy lên ý tưởng về tuổi của vũ trụ.
Các nhà khoa học đang cố gắng xác định tuổi của vũ trụ và những khả năng có thể xảy ra khi nó lụi tàn.
Chết không có nghĩa là vũ trụ sẽ biến mất. Nó vẫn ở đó, nhưng các ngôi sao và những thứ phát ra ánh sáng và lửa trong vũ trụ sẽ nguội đi nhanh chóng.
“Vũ trụ sẽ cứ tiếp tục già đi mãi, dần dần chuyển đổi ít khối lượng sang năng lượng hơn trong hàng tỉ năm và cuối cùng, biến thành một nơi lạnh lẽo, tối tăm và hoang vắng, không còn chút ánh sáng le lói nào“, nhà vật lý thiên văn học Luke Davies từng nói.
Theo VnExpress