Các nhà khoa học đã tìm ra lý do chúng ta không thấy người ngoài hành tinh?
Có một lý do mà các nhà khoa học cho là nguyên nhân khiến chúng ta chưa bao giờ tìm thấy người ngoài hành tinh, và nó cũng cho thấy con người có thể đang trên đà tuyệt chủng.
Biến đổi khí hậu không kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả cuối cùng là sự tàn phá nặng nề trên Trái Đất. Nước biển dâng cao có thể nhấn chìm các thành phố ven biển, nhiệt độ cao sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong của con người, và nước biển nhiễm axit sẽ trở nên bất lợi cho cá và san hô.
Những hậu quả từ hoạt động của con người có thể trở thành điều ngăn cản nền văn minh chúng ta tiến xa hơn nữa. Trong một kịch bản cực đoan hơn, nó thậm chí có thể hủy diệt loài người trên Trái đất.
Điều này nghe có vẻ khó xảy ra, nhưng đó lại là câu trả lời mà một số nhà khoa học đưa ra cho câu hỏi: “Tại sao chúng ta không gặp người ngoài hành tinh?”
Nghịch lý Fermi
Chúng ta sống trong một thiên hà có từ 100 đến 400 tỷ sao, mỗi ngôi sao đều được bao quanh bởi các hành tinh. Cho đến gần đây, các nhà khoa học vẫn nghĩ có khoảng 200 tỷ thiên hà như thế trong vũ trụ mà chúng ta có thể quan sát được, mỗi thiên hà chứa hàng trăm tỷ ngôi sao và hàng tỉ tỷ hành tinh. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của NASA cho thấy có lẽ con số đó ít nhất phải gấp 10 lần.
Ngay cả khi các hành tinh có sự sống rất hiếm hoi, thì những con số đáng kinh ngạc trên cho thấy, hẳn phải có một nền văn minh khác ở đâu đó trong vũ trụ.
Vì vậy, nhà vật lý nổi tiếng đoạt giải Nobel Enrico Fermi đã đặt câu hỏi về những người hàng xóm xa lạ của chúng ta: “Mọi người đâu hết rồi?”
Tại sao chúng ta không nghe thấy hoặc tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về sự tồn tại của người ngoài hành tinh? Câu hỏi đó được gọi là nghịch lý Fermi. Và đã có một số câu trả lời tiềm năng cho câu hỏi này.
Có một giả thuyết cho rằng trước khi một nền văn minh đến được một hành tinh khác gần đó, nó phải trải qua một “Quá trình chọn lọc vĩ đại” (Great Filter).
Quá trình chọn lọc vĩ đại của con người
Trong trường hợp của chúng ta, biến đổi khí hậu gây ra bởi sự phát triển của khoa học công nghệ có thể là “sự sàng lọc” đó. David Wallace-Wells đã đề xuất khả năng này trong một bài đặc biệt gần đây đăng trên New York Magazine:
“Trong một vũ trụ nhiều tỷ năm tuổi, với các hệ sao được phân chia theo thời gian và không gian, các nền văn minh có thể xuất hiện, phát triển và bị hủy diệt quá nhanh để tìm thấy nhau.
Peter Ward, một nhà cổ sinh vật học có uy tín trong số những người phát hiện ra sự tuyệt chủng hàng loạt trên hành tinh này là do khí nhà kính, gọi đây là ‘Quá trình sàng lọc vĩ đại’: Nhiều nền văn minh đã hình thành và phát triển, nhưng có một ‘bộ lọc môi trường’ khiến họ bị hủy diệt và biến mất nhanh chóng, ông nói. “Nếu nhìn vào Trái đất chúng ta, quá trình sàng lọc này đã từng xảy ra trong quá khứ và gây ra những lần tuyệt chủng hàng loạt”.
“Sự tuyệt chủng hàng loạt trong thời kỳ chúng ta đang sống chỉ mới bắt đầu, vì vậy sắp tới sẽ có rất nhiều sự chết chóc”.
Gần đây các nhà khoa học đang tranh luận, liệu chúng ta đang trong giữa hay đầu giai đoạn đại tuyệt chủng lần thứ 6 của Trái đất. Dù thế nào đi nữa, tình hình rất thảm khốc, những nguy cơ tệ nhất xảy ra do biến đổi khí hậu là có thật.
Nếu những nguy cơ này trở nên nghiêm trọng đủ để hoạt động như một “quá trình chọn lọc vĩ đại” đối với nhân loại, có thể sẽ là quá muộn để chúng ta tiếp xúc được với một chủng người nào đó trong vũ trụ.
Hồng Liên biên dịch