Các báo lớn Hồng Kông đưa tin gì sau sự kiện cảnh sát tấn công trường đại học?
Phong trào “tam bãi” (bãi công, bãi khóa, bãi thị) đã bị cảnh sát Hồng Kông trấn áp bạo lực, làm gia tăng sự phẫn nộ trong dân chúng. Truyền thông Hồng Kông đã biểu hiện như thế nào trước sự kiện này?
Ca sĩ và cũng là nhà vận động dân chủ Hà Vận Thi (Denise Ho) hôm 13/11 đã đăng một bình luận trên Twitter với hình ảnh 8 trang báo tại Hồng Kông, trong đó 6 trang đồng loạt đăng cùng một nội dung phản đối người biểu tình, ngoại trừ Apple Daily và Epoch Times đăng tải thông tin và hình ảnh về hoạt động biểu tình.
Tối muộn 12/11, cảnh sát Hồng Kông đã bao vây tứ phía ở Đại học Trung Văn Hồng Kông, xung đột kịch liệt đã xảy ra đến đêm. Trang nhất của Epoch Times và Apple Daily đăng các tin tức khác nhau về hoạt động biểu tình này, trong khi đó “Văn Hối báo” (Wen Wei Po), “Minh báo” (Ming Pao), “Tín báo” (Hong Kong Economic Journal), “Nhật báo Kinh tế” (Hong Kong Economic Times), “Nhật báo Phương Đông” (Oriental Daily News) đồng loạt đăng trên trang bìa thông tin tuyên truyền từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với nội dung “Dùng lá phiếu của bạn, phản đối bạo lực cứu Hồng Kông”.
Hà Vận Thi đã đăng trên Twitter: “Chỉ có Apple Daily và Epoch Times đưa tin về hoạt động biểu tình hôm qua, còn 6 trang khác đồng loạt đăng cùng một quảng cáo ủng hộ ĐCSTQ trên trang nhất, thúc bách ngừng ‘bạo động’ vào thời điểm bầu cử sắp tới”.
Các bình luận nói thêm rằng nhìn cách các trang báo đưa tin là hiểu được ngay lập trường của họ trong phong trào phản đối luật dẫn độ này.
Trang CNN cũng đăng tin về việc 6 trang báo Hồng Kông đều đăng quảng cáo của Bắc Kinh, ngoại trừ Epoch Times và Apple Daily không đăng quảng cáo nội dung này.
Ngoại trừ 8 trang báo trên, cư dân mạng còn bổ sung trang “Thành báo” (Sing Pao Daily News) đăng bài viết với tiêu đề “Mưa bom bão đạn tại khuôn viên trường đại học” trên trang nhất, nhưng lập trường của trang báo chưa được khẳng định.
Phong trào “tam bãi” tại Hồng Kông tiếp tục lan rộng. Giới trí thức toàn cầu đã ký tên vào bản kiến nghị lên án việc cảnh sát đã áp dụng bạo lực tàn ác quá mức đối với người biểu tình, cũng có hành động mang tính trả thù bằng vũ lực trong khuôn viên trường đại học.
“Trên thực tế, cảnh sát Hồng Kông vào ngày 11/11 và rạng sáng 12/11 không được phép tiến vào khuôn viên trường đại học Trung Văn Hồng Kông, đại học Bách khoa Hồng Kông và đại học thành phố Hồng Kông. Việc họ bố trí lực lượng đe dọa người biểu tình bằng bạo lực và dùng lượng lớn đạn và bom hơi cay công phá sân trường đã gây phẫn nộ cực độ”, bản kiến nghị nêu rõ.
Đối mặt với ngọn lửa giận dữ của người Hồng Kông, Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga trong buổi họp báo chiều ngày 11/11 tiếp tục lên giọng ủng hộ cảnh sát nổ súng, thậm chí bà còn biểu thị thái độ cứng rắn bằng cách gọi người dân Hồng Kông là “bạo đồ”. Bà Lâm nói: “Tại đây, tôi nói một cách nghiêm nghị tới xã hội, bao gồm cả những bạo đồ tùy ý phá hoại Hồng Kông, rằng hành vi của các người sẽ không đạt được như ý, hành vi làm càn, gây tổn thương đến một số thị dân vô tội của các người, chắc chắn sẽ không thể nào đòi được cái mà các người gọi là yêu cầu chính trị”.
Về việc này, phe Trại dân chủ cũng lên tiếng chỉ trích bà Lâm dốc hết binh lực đi đàn áp dân ý, đã không xứng là Trưởng Đặc khu Hồng Kông, dựa vào cảnh sát bạo lực để duy trì sự sinh tồn tạm thời, sẽ khiến cho xã hội rơi vào trạng thái rạn nứt lâu dài. Tuyên bố nhấn mạnh, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga một lần nữa đem trách nhiệm làm rối loạn Hồng Kông đổ lên đầu những người gọi là “bạo đồ”, nhưng chữ “bạo” dưới sự chứng kiến của đông đảo quần chúng thực ra chính là cảnh sát và chính phủ.
Khải Hoàn (Theo Epoch Times)