“Bộ tứ kim cương” sẽ tham gia tập trận chung lần đầu tiên trong tháng 11
Reuters đưa tin ngày 19/10, trong tháng 11/2020, Bộ tứ kim cương gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc sẽ cùng tập trận Malabar. Chuyên gia nhận định rằng, cuộc tập trận này sẽ là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc.
“Trong bối cảnh Ấn Độ nỗ lực tăng cường hợp tác với các nước khác trong lĩnh vực an ninh hàng hải và tăng cường hợp tác quốc phòng với Australia, [tập trận] Malabar 2020 sẽ có sự tham gia của hải quân Australia”, Bộ Quốc phòng Ấn Độ viết trong thông báo.
Từ năm 2017, cuộc tập trận Malabar bao gồm 3 thành viên là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Họ thực hiện các hoạt động mô phỏng chiến tranh cũng như diễn tập chiến đấu. Sau đó, vào năm 2019, Tập trận Malabar được tổ chức vào tháng 9 ở ngoài khơi Nhật Bản.
Quyết định mời Australia tham gia tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya vẫn chưa hạ nhiệt. Quan hệ giữa Australia với Trung Quốc cũng xấu đi kể từ khi Canberra công khai kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế để xác định nguồn gốc đại dịch Vũ Hán.
Việc cả 4 quốc gia của “Bộ tứ Kim cương” tham gia tập trận chung được cho là sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng, và các bên diễn tập sẽ có thêm cơ hội để tăng cường an ninh hàng hải.
Theo thông báo của phía Ấn Độ, các nước thành viên cùng nhau ủng hộ một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hòa nhập và luôn cam kết tuân thủ một trật tự quốc tế căn cứ trên luật lệ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia – Linda Reynolds xác nhận rằng, quốc gia này sẽ tham gia tập trận vào tháng 11, xem đây là cơ hội lớn đối với quân đội Australia. “Cuộc tập trận thể hiện niềm tin sâu sắc giữa 4 quốc gia tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và cùng hành động vì lợi ích an ninh chung”, bà Reynolds cho biết.
Ông S Jaishankar – Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã mô tả Trung Quốc là một “thách thức an ninh quan trọng” tại biên giới. Quân đội hai nước đã có một cuộc giao tranh quân sự dọc biên giới Ladakh kể từ tháng 5 và một cuộc đụng độ đẫm máu trong tháng 6.
Trước động thái của “Bộ tứ kim cương”, Chuyên gia Derek Grossman tại tổ chức Rand (Mỹ) trước đó nói rằng cuộc trận này sẽ là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc.
Phía Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận náo về cuộc tập trận của “Bộ tứ kim cương” trong tháng 11. Được biết, Bắc Kinh coi “Bộ tứ kim cương” là nỗ lực ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc.
Lương Phong (t/h)