Bộ Tài chính đề nghị “ngừng xuất khẩu gạo tẻ”, vì chỉ mới dự trữ được 7.700 tấn
Chỉ mới dự trữ được 7.700 tấn trong kế hoạch mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính gửi công văn đề nghị Bộ Công Thương ngừng xuất khẩu gạo tẻ đến giữa tháng 6/2020.
Bộ Tài chính cho biết, chỉ tiêu kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa thường.
Tuy nhiên, trước tình hình xuất khẩu tăng nên các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia (đến ngày 4/3 đã trúng thầu 178.000/190.000 tấn kế hoạch) và có tình trạng kéo dài thời gian ký hợp đồng cũng như không thực hiện thương thảo hợp đồng.
Ông Đỗ Việt Đức, tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ – Bộ Tài chính, cho biết hiện mua gạo dự trữ cực kỳ khó khăn, đến nay doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng 7.700 tấn gạo tẻ mà không ký tiếp.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ (gạo cấp thấp) đến 15/6 để đảm bảo cho công tác mua gạo dự trữ quốc gia. Các mặt hàng gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm vẫn được xuất khẩu bình thường.
Sau khi Tổng cục Dự trữ mua đủ lượng gạo dự trữ được giao trong năm 2020 thì việc xuất khẩu gạo tẻ sẽ điều hành linh hoạt và phù hợp với diễn biến thực tế
Trước đó, tại cuộc họp ngày 23/3 với Chính phủ, cũng Bộ Công Thương đề xuất dừng xuất khẩu gạo tới cuối tháng 5 để đảm bảo an ninh lương thực. Đề xuất này sau đó được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, Bộ Công Thương lại đề nghị Chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu. Đến ngày 6/4, báo cáo Thủ tướng, Bộ này tiếp tục đề nghị cho xuất khẩu 800.000 tấn gạo trở lại trong tháng 4 và 5 sau khi đã “tính toán kỹ”.
Từ Nguyên (t/h)