Biết việc thiện lại chần chừ không làm, sẽ mất đi phúc báo
Người xưa thường nói hành thiện tích đức và nhắc nhở chúng ta rằng, biết là việc thiện thì phải lập tức làm ngay, hơn nữa còn phải làm một cách nghiêm túc, nỗ lực và kiên trì bền bỉ.
Hàn Kỳ đời Bắc Tống (960-1127) là người có đức độ và danh vọng cao, đối xử với mọi người bằng lòng nhân ái và vị tha; mỗi khi gặp việc thiện nhất định nỗ lực làm; mỗi khi nghe tin người khác làm việc thiện thì nhất định khích lệ và tán thưởng. Vậy nên đâu đâu cũng ca tụng Hàn Kỳ và nói: “Hàn Kỳ không như người khác”.
Có người hỏi ông vì sao lại làm như vậy, Hàn Kỳ nói: “Tâm con người hướng về điều thiện là trân quý nhất. Khen ngợi hành động thiện có thể làm cho những người làm việc thiện từ nay về sau càng thêm nỗ lực, khiến cho người nghe thấy chuyện này lòng cũng hướng thiện theo, làm cho người có lỗi cảm thấy xấu hổ mà bỏ ác theo thiện. Vì lẽ đó biểu dương cái thiện là điều rất quan trọng”.
Ông còn thường xuyên đọc thơ và truyền bá sách của bậc Thánh hiền. Hàn Kỳ nói: “Sách này có thể hướng dẫn con người trở thành những người chân chính và quân tử!”. Về sau Hàn Kỳ trở thành vị Tể tướng tài đức một đời và được phong là Ngụy Quốc Công, đạt được đầy đủ “ngũ phúc” (Ngũ Phúc là danh từ nguyên ở trong thiên “Hồng Phạm” của Kinh Thư, gồm có: trường thọ, phú quý, khang ninh, hiếu đức, thiện chung). Con cháu của Hàn Kỳ nhiều đời làm quan tại triều đình, liên tục cho đến cuối triều đại Nam Tống (1227-1279). Người ta đều nói rằng đó chính là phúc báo có được nhờ tích đức.
Nhưng một số người lại rõ ràng nhìn thấy việc thiện ngay trước mặt mà cũng không làm, bỏ mất cơ hội.
Diêu Hảo Vấn thời nhà Minh khi làm quan huyện, làm việc cẩn thận, làm quan liêm khiết. Nhưng ông quá nhẹ dạ, thường dễ tin lời của người khác. Một lần vào lúc cuối xuân, trời mưa liên tục trong hơn 40 ngày, Diêu Hảo Vấn tự mình đến các thôn quê để xem xét và hỏi thăm về tình hình thiên tai. Ông thấy thôn Tây có mấy trăm mẫu ruộng bị ngập, những thôn khác thì lúa mạch không bị tổn hại . Ông định sẽ trình báo tai họa của khu vực thôn Tây.
Những lại dịch (chức vụ rất thấp, không có phẩm cấp thời phong kiến, chuyên phục dịch các quan cao hơn) đi theo ông lại nói: “Các thôn trong huyện đều bình an và ổn định, nơi thôn Tây đây tuy rằng bị ngập lụt, sau vài ngày nước sẽ rút đi, vẫn có thể trồng lại các cây lương thực khác. Nếu như trình báo riêng biệt lên cấp trên, sợ rằng sẽ bị truy xét công kích dây dưa phiền phức”.
Diêu Hảo Vấn biết đám lại dịch xuất phát từ lợi riêng, nhưng sợ rằng gây ra phiền toái, thế là giấu giếm tình hình thiên tai, không báo cáo lên cấp trên. Khi thu thuế thì ruộng bị thiên tai với ruộng được mùa bị đánh thuế như nhau.
Diêu Hảo Vấn đã từng muốn xây trường học không mất tiền, tu sửa nhà cứu tế ở mọi nơi, trợ giúp người nghèo, nhưng đều bị bọn thư dịch ngăn trở. Mà ông đã quá 50 – độ tuổi “tri thiên mệnh”, nhưng vẫn chưa có con. Mẹ và vợ ông đều luôn bị bệnh, cả gia đình rất âu sầu.
Một ngày, mẹ ông bị ốm suýt chết, sau khi được cứu tỉnh lại đã nói với Diêu Hảo Vấn: “Mẹ đã nhìn thấy quan lại nơi âm phủ, ông ta nói: ‘Diêu Hảo Vấn làm người cẩn thận và trong sạch, vốn phải có con; nhưng mà mỗi khi gặp việc thiện, rõ ràng biết cần phải làm việc thiện, nhưng thường bị lời nói của người khác ngăn trở. Chẳng hạn như việc trình báo thiên tai này, chỗ bị thiên tai chẳng lẽ có thể giấu giếm không báo cáo sao? Ông ta che giấu tình hình thiên tai, đến nỗi dân gặp nạn bị bức bách phải bán con cái để nộp thuế; tội ác quá lớn, cho nên phải gặp báo ứng’.
Viên quan âm phủ còn nói: ‘Kẻ ngu muội bởi vì không biết lí lẽ, còn có thể tạm thời khoan dung tha thứ; chỉ có kẻ biết rõ việc thiện mà không làm, cố tình không cầu tiến đức, đó là những người mà trời vô cùng chán ghét. Bảo con bà nếu muốn được hạnh phúc, phải dũng cảm làm chuyện tốt, không sợ gian nan, không thể làm việc qua loa để hưởng an nhàn. Không thể trong lòng đã nghĩ là làm, lúc suy nghĩ lại thì lại không làm nữa. Làm việc thiện lâu dài tự nhiên sẽ được may mắn và hạnh phúc, khiến cho tội ác che giấu thiên tai có thể được miễn’”.
Diêu Hảo Vấn mặc dù nghe lời dạy bảo của mẹ nhưng mỗi khi bọn văn thư và lại dịch nói lời xằng bậy thì vẫn bị mê hoặc, cứ mãi như thế không thức tỉnh, cuối cùng bị bãi chức quan, cảnh nhà cũng suy sụp.
Thấy việc thiện thì nhất định phải toàn lực mà làm. Nếu có thể cải biến mà hướng thiện thì cũng có thể bù đắp tổn thất cho những sai phạm trước kia, giảm đi tội lỗi mà tăng thêm phúc báo. Nếu luôn luôn do dự không làm, không nghe những lời nói phải, tự mình không thể làm chủ được bản thân thì sẽ gây ra tội lỗi, có ân hận cũng muộn rồi.
Theo minhhue.net