Biến đổi khí hậu đang trở thành hiểm họa lớn nhất ở Chile
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây ra “làn sóng thảm họa” nghiêm trọng ở Chile như hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, thủy triều đỏ,… khiến cho cuộc sống của nhiều người dân nơi đây lâm vào tình cảnh nguy khốn.
Ông Fernando Rojas đang cầm trên tay bức ảnh vùng nông thôn, nơi ông sinh sống và làm việc trong suốt 74 năm. Nó nằm giữa Thái Bình Dương và dãy núi Andes.
Bức ảnh đưa ta trở về khoảng thời gian khi hồ nước nơi ông sống vẫn còn đầy, được bao phủ bởi những ngọn đồi xanh mướt, cùng những tia nắng ấm áp đầu ngày.
Cận cảnh bức ảnh, có thể thấy nằm sát ven hồ là một chiếc thuyền nhỏ đã sẵn sàng giăng buồm. Cạnh đó là một chiếc cầu gỗ nằm nhô ra phía những con sóng.
“Thật khó có thể hình dung bức ảnh được chụp chỉ cách đây vài năm, nhuưng hiện tại lại trở thành một nơi khô cằn, cạn kiệt nước”, ông Rojas nói trong tâm trạng buồn rầu.
“Ở Chile, không một ai không phải chịu ảnh hưởng của sự biến đổi của khí hậu”, Matias Asun, người đứng đầu Tổ chức Greenpeace – Hòa bình xanh, Chile cho biết.
Phần lớn nước trong hồ đã cạn. Chỉ còn lại cầu tàu, một biển bùn và cỏ. Một hàng rào mới được dựng lên để giữ cho ngựa và gia súc không đi vào lòng hồ. Một vài chiếc thuyền còn sót lại được bảo quản dưới lớp vải bạt.
Cách đó khoảng nửa dặm, nước còn lại trong hồ rất nông. Đó là một vũng nước vắng lặng với độ sâu chưa đến 1 m, bao quanh chỉ toàn cỏ dại và cò trắng.
Hồ Laguna de Aculeo từng là điểm du ngoạn được ưa thích của nhiều người trong số 7 triệu công dân thủ đô Santiago, cách đó 72 km về phía Bắc.
Vào những ngày cuối tuần, mọi người đến đây lướt sóng, giong thuyền và lái ca-nô, tận hưởng sự thanh bình, tĩnh lặng của thung lũng với những vườn cây hạnh nhân, những vườn nho, những rặng bạch dương bên những túp lều gỗ nhỏ thơ mộng. Khi hồ vẫn đầy nước, những biệt thự ven hồ được bán với giá hơn 500.000 USD.
Trong phần lớn cuộc đời mình, ông Rojas sinh sống bằng nghề trồng trọt quanh hồ, ông thường trồng dưa hấu và ngô. Ông cho biết, mực nước trong hồ phụ thuộc hoàn toàn vào lượng mưa, và cách đây 7 năm, nó bắt đầu rút dần và trở nên khô cằn.
Hồ có kích thước gấp 4 lần Công viên Trung tâm New York, tương đương 13,6 km2. Ông Rojas đã từng lái chiếc thuyền nhỏ của mình băng qua hồ để mua nhu yếu phẩm. Cuộc hành trình đó giờ đây đã trở thành những chuyến đi bộ. Hiện nay, giá biệt thự khu ven hồ cũng bị “đóng băng”. “Không một ai muốn mua chúng, nếu không còn hồ nước nữa”, ông Rojas nói. Điều này đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của địa phương.
Những gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn
“Người dân địa phương đang phải cố gắng chịu đựng, vì nước là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ”, Claudio Mella, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ở Santiago, người sở hữu một trong những biệt thự ven hồ, đã cùng gia đình chuyển đến đây sinh sống được 15 năm cho biết. “Chúng tôi có rất nhiều bạn tốt ở đây, và nhiều người trong số họ đã mắc chứng trầm cảm, một số khác gặp trục trặc trong đời sống gia đình”, cô nói.
Một trong số những người dân sống phụ thuộc vào hồ nước này là cô Oriana Lopez, 55 tuổi. Kinh doanh dịch vụ lướt ván thành công một thời, nhưng 5 năm trở lại đây cửa hàng của cô đã phải đóng cửa vì không có khách. Và gia đình cô đã rơi vào cảnh sống nghèo nàn, chỉ có thể sống nhờ vào lương hưu của người cha 97 tuổi, cộng với số tiền lương ít ỏi mà con cô kiếm được bằng việc lao động phổ thông.
“Thật xót thương khi nhìn thấy hồ nước như vậy”, Lopez nói, mắt lặng nhìn ra xa nơi chú chó của cô đang chơi đùa, và nhớ lại thời gian khi nơi đó từng là một lòng hồ đầy nước. Nhiều người đã phải rời khỏi nơi này vì không còn việc để làm. Nhưng cô vẫn sẽ ở lại và cố gắng chống chọi. Cô nói trong nước mắt: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi yêu mảnh đất này”.
Chile đã trải qua một đợt hạn hán bất thường kéo dài suốt 7 năm liền, nghiêm trọng nhất là ở khu vực miền Trung và khu vực phía Nam, nơi có khoảng 17 triệu người sinh sống. Hồ Laguna de Aculeo cũng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đợt hạn hán.
Maisa Rojas, nhà khí tượng học thuộc Đại học Chile, cho biết: “Đây là một đợt hạn hán lớn vì nó kéo dài và lan rộng ra nhiều nơi. Chúng tôi đã từng thấy chuyện này trước đây, nhưng chưa bao giờ lan rộng đến vậy”. Mặc dù gần đây mưa đã xuất hiện trở lại, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn liệu hạn hán có thể chấm dứt hay không.
Các nghiên cứu đang được tiến hành để cứu lấy hồ nước. “Nếu không có gì tiến triển, hồ có thể sẽ cạn trong vài năm”, Felipe Martin, một nhà thủy văn hàng đầu Chile cho biết.
Martin cũng là một thành viên làm việc trong kế hoạch giải cứu hồ nước. “Hồ nước đã cạn dần do tầng ngậm nước bị phá vỡ trong trận động đất ở Chile năm 2010. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do hạn hán và sự biến đổi khí hậu”, ông nói.
Không chỉ là hạn hán
Ở Chile, biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề đáng quan ngại, từ hiện tượng băng tan do sự nóng lên của Trái đất cho đến xung đột về quyền sử dụng nước giữa các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với những nông trại nhỏ.
Bộ trưởng Môi trường Chile, Marcelo Mena cũng đã phát biểu rằng: “Đây là một hiện tượng bất thường của thời tiết, nhiệt độ tại một số vùng giảm chỉ còn 2 độ C. Và chúng tôi thấy sự biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp đến đời sống người dân theo nhiều hình thức khác nhau”.
Bà Mena cũng chỉ ra rằng “làn sóng thảm họa” đã xảy ra gần đây tại Chile bao gồm lũ lụt, sạt lở đất gây chết người và thủy triều đỏ (hiện tượng tảo nở hoa và bùng phát bất thường do sự biến đổi khí hậu) làm chết hàng triệu con cá, trong đó sản lượng cá hồi là 20%.
Vào tháng 1/2017, hạn hán đã gây ra một trận cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử Chile, đất bị nứt nẻ, phá hủy hơn 370 ha rừng và một số vườn nho nổi tiếng của Chile.
“Khi bạn thấy nỗi tuyệt vọng trong mắt người dân, và những cảnh tượng bạn chưa từng thấy trước đây, điều đó sẽ khiến bạn lo lắng rằng mọi thứ đã thực sự vượt quá tầm kiểm soát”.
Bà cũng cho biết thêm, hầu hết người dân Chile hiện nay coi sự biến đổi khí hậu là hiểm họa lớn nhất đối với họ. Và làn sóng thảm họa ở Chile gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp hơm.
Những biện pháp nhằm khắc phục ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Chính phủ Chile đang đưa ra một số biện pháp nhằm giúp đất nước họ thích nghi với nắng nóng và khô hạn như: Bảo vệ nguồn nước, tăng cường các biện pháp đề phòng cháy nổ và trồng nhiều cây xanh góp phần làm mát đô thị. Từ năm 2018 trở đi, trường học ở Chile sẽ có những khóa học nhằm nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu.
Chile cũng nhanh chóng mở rộng việc sử dụng nguồn năng lượng thay thế, dự kiến năm 2050 sẽ có ít nhất 80% năng lượng sử dụng sẽ được lấy từ nguồn năng lượng thay thế.
Hơn một nửa lượng điện dùng để cung cấp cho hệ thống tàu điện ngầm của Santiago sẽ sớm được thay thế bằng năng lượng Mặt trời và gió. Năng lượng sẽ được tổng hợp từ một nhà máy năng lượng Mặt trời khổng lồ ở sa mạc Atacama của Chile, từ hàng trăm ngàn tấm pin Mặt trời có diện tích gấp 370 lần một sân bóng đá.
Thiện Tâm biên dịch