Bí quyết tồn tại qua nhiều biến cố của doanh nghiệp Nhật Bản hơn 1000 năm tuổi
Chỉ với một loại bánh và một công thức duy nhất, cửa hàng Ichiwa vẫn tồn tại hơn 1.000 năm qua bất chấp những cuộc chiến, thiên tai, thảm họa và được xem là niềm tự hào của người Nhật.
Ichiwa là cửa hàng chuyên bán bánh mochi nướng, nằm cạnh một ngôi đền cổ ở thành phố Kyoto. Cửa hàng thuộc sở hữu của gia đình bà Naomi Hasegawa (60 tuổi). Họ bắt đầu bán bánh từ hơn 1.000 năm trước để phục vụ khách thập phương đến đền cầu nguyện cho dịch bệnh mau kết thúc.
Hơn 1.000 năm sau, đại dịch mới lại ập đến tàn phá nền kinh tế Kyoto, khiến lượng khách quốc tế giảm đáng kể. Nhưng nhà Hasegawa vẫn không quá lo lắng, bởi lượng khách ghé ăn vẫn nườm nượp mỗi ngày.
Bánh mochi dango ở quán là loại bánh truyền thống của Nhật, làm từ bột gạo. Bánh hình dẹt, được xiên vào một que tre, phủ thêm lớp bột. Sau đó, bánh được nướng trên bếp than cho tới khi cháy xém, tỏa mùi hương thơm phức. Khách đến quán thích gọi một dĩa bánh nóng nhâm nhi cùng tách trà xanh hay trà gạo rang nồng nàn.
Tương tự những cửa hàng lâu đời ở Nhật Bản, gia đình bà Hasegawa có tầm nhìn dài hạn. Bằng cách đặt truyền thống và sự ổn định lâu dài lên trên lợi nhuận và tăng trưởng, Ichiwa đã vượt qua nhiều cuộc chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai và biến cố lịch sử.
Không như nhiều doanh nghiệp chú trọng tối đa hóa lợi nhuận, mở rộng quy mô, thị phần, ưu tiên số 1 của họ là duy trì sản nghiệp. Họ coi sự tồn tại của cửa hàng như một cuộc chạy đua tiếp sức, cứ thế đời này truyền cho đời sau.
Những cửa hàng này có thể kém năng động hơn các nơi khác. Nhưng khả năng phục hồi nhanh chóng của họ khiến nhiều doanh nghiệp các nước phải thán phục. Đặc biệt là trong bối cảnh vô số cơ sở phải phá sản vì đại dịch thời gian qua.
Bà Hasegawa chia sẻ, để tồn tại trong một thiên niên kỷ, cửa hàng không thể chỉ chạy theo lợi nhuận. Họ phải hướng đến một mục đích cao cả hơn, đó là phục vụ khách hành hương tới đền thờ.
Đây là tôn chỉ hoạt động của gia đình. Nó giúp định hướng cho nhiều quyết định kinh doanh qua nhiều thế hệ. Họ chăm sóc nhân viên, hỗ trợ cộng đồng, cố gắng tạo ra những sản phẩm đầy tự hào và truyền cảm hứng.
Bánh mochi dango được nướng trên bếp than sau đó dùng với trà xanh. (Ảnh: t/h)
Ở Ichiwa, tôn chỉ của họ là chỉ làm một việc và làm thật tốt việc đó. Họ từ chối rất nhiều cơ hội mở rộng thương hiệu. Suốt 1.020 năm, mochi vẫn là món ăn duy nhất có trong thực đơn.
Những người thợ vẫn duy trì gần như cùng một công thức làm bánh. Hầu hết các công đoạn đều làm bằng tay ngay tại tiệm, cho hương vị luôn mới. Họ lấy nước từ con suối nhỏ chảy vào hầm của quán để luộc gạo. Sau khi giã xong, họ nặn thành những viên bột gạo dẹt rồi xiên chúng vào que gỗ, đem nướng trên một bếp gang nhỏ. Lớp vỏ của cơm được phết tương miso ngọt.
Không chỉ riêng Ichiwa, Nhật Bản còn nổi tiếng với các doanh nghiệp lâu đời khác. Quốc gia này hiện có hơn 33.000 công ty đã tồn tại trên 100 năm, chiếm 40% tổng số trên thế giới. Trong đó, hơn 3.100 doanh nghiệp đã tồn tại hơn 2 thế kỷ. Khoảng 140 xuất hiện từ 500 năm trước và ít nhất 19 cơ sở đã hoạt động trên 1.000 năm.
Những doanh nghiệp này thường không thích dấn thân vào rủi ro và hay tích lũy nhiều tiền mặt. Điều này giúp họ giảm nguy cơ phá sản, duy trì việc trả lương nhân viên và các chi phí khác kể cả khi thu nhập giảm sút.
Ngoài ra, những cửa hàng truyền thống nhỏ sẽ tận dụng chính những thành viên trong gia đình để giảm chi phí lương hiệu quả.
Trải qua chiều dài lịch sử hàng trăm ngàn năm, chứng kiến bao sự đổi thay của đất nước, những cửa hàng truyền thống này vẫn là điểm đến yêu thích của du khách thập phương và được xem là niềm tự hào của xứ Phù Tang.
Thùy Linh (t/h)