Bị người khác hạ nhục, Khổng Tử không tức giận mà còn nói lời cảm ơn
Bị người khác hạ nhục, Khổng Tử không những không tức giận mà còn nói lời cảm ơn. Hành động này khiến học trò của ông rất lấy làm ngạc nhiên, tuy nhiên sau khi nghe ông giải thích thì mười phần bội phục.
Khổng Tử là bậc đại trí nổi tiếng của Trung Quốc. Ông được nhìn nhận là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị có ảnh hưởng tới không chỉ văn hóa Trung Hoa mà còn cả nền văn hóa Đông phương.
Người Trung Quốc vinh danh ông là Vạn thế Sư biểu, nghĩa là bậc thầy của muôn đời. Tư tưởng triết học của Khổng Tử nhấn mạnh đến sự tu dưỡng đức hạnh của mỗi cá nhân và bậc trị quốc cần phải bắt đầu từ “tu thân”, “tề gia”, rồi mới đến “trị quốc”, và sau cùng là “bình thiên hạ”. Ông nổi tiếng với hệ tư tưởng “đạo trung dung” và các quy phạm về đạo đức mà con người cần có, như Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
Có rất nhiều câu chuyện được lưu lại cho hâu thế về cách hành xử của Khổng Tử đối với các sự việc nảy sinh trong cuộc sống. Một trong những câu chuyện đó là đối diện với việc bị bắt nạt, hạ nhục, mỗi người cần nhìn nhận và hành xử như thế nào trong tình huống này.
Một ngày nọ, Khổng Tử cùng học trò đi trên đường. Họ ghé vào quán cơm dùng tạm bữa chờ hôm sau tiếp tục lên đường. Khi mâm cơm vừa được dọn ra, đột nhiên một vài người đàn ông xuất hiện và ngang ngược nói những lời thất kính đối với Khổng Tử. Học trò nghe vậy rất bất bình, định đứng lên để ngăn cản. Tuy nhiên Khổng Tử đã ngăn lại và bình tĩnh nói lời cảm ơn người vừa xúc phạm mình với thái độ tôn trọng và không hề có chút bực bội. Những người đó nói một lúc rồi bỏ đi. Sau đó, đám học trò cùng hỏi Khổng Tử:
“Thưa thầy, vì sao thầy lại cảm ơn họ? Những người này đang nói lời bất kính không đúng về thầy, ảnh hưởng tới uy tín của thầy”.
Khổng Tử mỉm cười đáp:
“Ta cảm ơn họ vì họ đã cấp đức cho ta. Uy tín của ta không phải là do ai đó nói mà thành hay mất. Hơn nữa nếu bây giờ ta đối đáp, chắc gì họ đã chịu, lại còn có thể xảy ra ẩu đả. Liệu người như chúng ta có đáng bỏ đi đức của mình để động vào họ? Thực chất họ đang cấp đức cho ta đó. Ta nhận hết, chính điều này khiến ta phải cảm ơn họ”.
Quả thật Khổng Tử là bậc đại trí, ông đã hiểu rất sâu sắc về quy luật nhân quả. Nhục mạ, đánh đập người khác chính là một việc làm cấp đức cho bên đối phương. Bởi vậy, khi một người bị xử tệ, bị vu oan hay lăng mạ thì trên bề mặt tại lúc đó, người đó chịu thua thiệt, nhưng thực tế chính là đang được cấp đức. Và trong thực tế cũng đã chứng minh “gieo nhân nào gặp quả nấy”, “ở hiền gặp lành”. Người xưa luôn dạy “tu tâm, tích đức”, người có đức sẽ được phúc báo, đó mới là điều quý giá nhất.
Có thể nhẫn được giống như Khổng Tử trong câu chuyện trên là điều mà người bình thường không thấu đạo lý khó mà làm cho được. Bởi người ta xua nay thông thường vốn là chỉ muốn tranh hơn nhau chút khẩu khí.
Bậc đại trí là người biết đứng cao hơn người khác mà vị tha, không hành xử theo cảm xúc thông thường và thấu tỏ mọi quy luật nhân quả báo ứng trong vũ trụ.
Theo Daikynguyenvn