Bệnh viện Xanh Pôn: Cắt đôi que thử HIV, viêm gan B, 3 cán bộ bị đình chỉ công tác
Ngày 9/12, liên quan đến quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B, bệnh viện Xanh Pôn (Saint Paul) đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 3 cá nhân là nhân viên của bệnh viện bao gồm 1 phó phụ trách Khoa Vi sinh y học, 1 kỹ thuật viên trưởng và 1 kỹ thuật viên của bệnh viện để xác minh, giải quyết.
Trưa ngày 9/12/2019, bản tin Chuyển động 24h kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự phản ánh gian lận trong xét nghiệm y tế tại khoa Vi sinh Y học, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn “Hàng ngàn que thử HIV, viêm gan B bị cắt đôi trước khi được tiến hành xét nghiệm”.
Ngay sau đó, Ban Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tổ chức họp khẩn với khoa Vi sinh Y học và các khoa, phòng liên quan để làm rõ các nội dung do Đài Truyền hình Việt Nam phản ánh.
Ban lãnh đạo bệnh viện cho biết, đã tạm thời đình chỉ công tác 3 nhân viên y tế có liên quan để tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xác minh sự việc, bao gồm: Thạc sĩ Chu Thị Loan – Phó Phụ trách khoa Vi sinh; cử nhân Trần Thị Thanh Lam – kỹ thuật viên trưởng; cử nhân Phan Thị Thùy Linh – kỹ thuật viên.
Quy trình xét nghiệm nhanh HIV và viêm gan B
Theo quy trình chuẩn, cả 2 phương pháp xét nghiệm nhanh HIV và viêm gan B đều thực hiện quy trình giống nhau. Mỗi que thử có vạch hoá chất chỉ được dùng cho 1 bệnh nhân. Mẫu máu của bệnh nhân sẽ được nhỏ vào phần dưới của vạch hóa chất này. Sau 15 phút, nếu vạch hóa chất xuất hiện 1 vạch đỏ nghĩa là bệnh nhân âm tính với HIV và Viêm gan B, còn 2 vạch đỏ là dương tính.
Tuy nhiên, quy trình thao tác của những kỹ thuật viên tại đây lại khác hẳn hướng dẫn sử dụng. Theo đó, que thử đã được các nhân viên y tế tại đây cắt làm đôi, vệt kéo cắt vào giữa vị trí của vạch hoá chất. Như vậy, 1 que thử có thể được sử dụng cho 2 bệnh nhân, trong khi các bệnh nhân vẫn phải đóng đủ tiền xét nghiệm theo quy định.
Nếu làm theo phương pháp này, cứ 2 bệnh nhân xét nghiệm thì sẽ dư ra 1 que thử mới (giá thị trường là 3 triệu/100 que). Mỗi người bệnh phải đóng 100.000 đồng cho mỗi lần test thử nhanh này. Trung bình một ngày, hàng trăm bệnh nhân thực hiện xét nghiệm HIV và viêm gan B thì số lượng que thử dư ra là không hề nhỏ.
Làm sai trong phương pháp xét nghiệm miễn dịch bán tự động
Một phương pháp phức tạp hơn, nhằm đem lại kết quả chính xác hơn cho bệnh nhân là xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA) cũng được các kỹ thuật viên tại phòng miễn dịch làm theo cách riêng.
Theo nguyên tắc là 1 giếng chứa 1 mẫu máu, nhưng ở đây, 1 giếng chứa 4 mẫu. Những giếng này sau đó được ủ trong máy và sẽ cho ra kết quả âm tính hay dương tính. Theo kỹ thuật viên, nếu kết quả âm tính sẽ là kết quả chung cho cả 4 bệnh nhân, còn nếu dương tính sẽ yêu cầu cả 4 bệnh nhân xét nghiệm lại.
Theo giải thích của bà Nguyễn Thị Hà – nguyên giảng viên cao cấp bộ môn Hóa Sinh thuộc Đại học y Hà Nội, với số lượng mẫu máu quá nhiều được cho vào xét nghiệm trong một giếng hóa chất theo tiêu chuẩn, không thể có được kết quả xét nghiệm chính xác, hoàn toàn có thể sai lệch.
Bệnh viện giải trình
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Test xét nghiệm chuẩn là xét nghiệm theo hình thức đấu thầu của bệnh viện. Còn test thử nghiệm là do Công ty Lục Tỉnh cung cấp”.
“Sau khi làm xét nghiệm theo test chuẩn cho bệnh nhân, nếu huyết thanh dư thì mới làm thử nghiệm với que test cắt đôi. Điều này không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của bệnh nhân.”
Ông Hưng lý giải: “Theo báo cáo của khoa Vi sinh họ mới làm test thử nghiệm này 3 tháng nay, với tổng số 40 test thử, cắt làm đôi được 80 thanh. Phía công ty cũng chỉ cung cấp hai hộp bộ test kit này để thử nghiệm. Tuy nhiên dù là thử nghiệm thì cũng không được phép”.
Vị giám đốc này cũng phủ nhận việc trộn nhiều mẫu máu của bệnh nhân làm một trước khi xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA). Theo ông, “việc trộn như vậy cũng không tiết kiệm được hóa chất đó, bởi hóa chất đó nếu bán ra ngoài cũng không ai mua”.
Trước vấn đề này, bà Trần Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng: “Việc cắt đôi que thử là hành vi sai phạm, sai quy định của quy trình khám chữa bệnh và quy trình xét nghiệm”.
Về số người đến xét nghiệm HIV và viêm gan B tại Bệnh viện Xanh Pôn, bà Hà cho biết tùy theo ngày, nhưng Xanh Pôn là 1 trong 4 bệnh viện lớn nhất của Hà Nội với 600 giường bệnh, 1.000 cán bộ, khám cho 600.000 người/năm và điều trị nội trú cho 45.000 người/năm.
Từ Nguyên (t/h)