Hàng loạt nghiên cứu y tế của Trung Quốc bị rút vì dính líu mổ cướp nội tạng
Chỉ trong tháng 8 vừa qua, có đến 15 nghiên cứu trên 2 tạp chí y học phương Tây đã bị rút lại vì có liên quan đến việc sử dụng nội tạng từ các tử tù ở Trung Quốc.
Theo tổ chức theo dõi các nghiên cứu khoa học bị hủy đăng tại Mỹ (Retraction Watch), 2 tạp chí y tế Tranplantation và PLOS One đã rút lại những công trình nghiên cứu mà họ xuất bản từ giai đoạn 2008-2014. Trong số 15 bài báo bị rút, 2 bài liên quan tới cấy ghép thận và 13 bài liên quan tới cấy ghép gan.
Retraction Watch cũng cho biết cả 2 tạp chí đều trích dẫn một bài báo của Giáo sư Wendy Rogers tại Đại học Macquarie ở Sydney, Úc và các đồng nghiệp của cô.
Bài báo kêu gọi rút hơn 400 tài liệu nghiên cứu về cấy ghép nội tạng từ Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại nội tạng được thu hoạch từ các tù nhân.
Cùng thời điểm này, 2 tạp chí khác là Clinical Journal of the American Society of Nephrology và Kidney International cũng đang xem xét các nghiên cứu bị nghi ngờ mà họ đã công bố.
Tổ chức Retraction Watch nhận định đây có thể là dấu hiệu cho thấy một “cơn lũ” sẽ quét qua các tạp chí phương Tây, khiến các bài báo và nghiên cứu về ghép tạng tới từ Trung Quốc bị dỡ bỏ.
Hoạt động mổ cướp nội tạng vẫn đang tiếp tục diễn ra
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố họ đã dừng sử dụng nội tạng cấy ghép tử tù từ năm 2015, nhưng các chuyên gia cho rằng hoạt động này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Họ không chỉ khẳng định nó vẫn đang diễn ra mà còn tin rằng nguồn nội tạng chính không phải từ các tù nhân hình sự, mà là các tù nhân lương tâm, bao gồm các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ bị bức hại.
Giữa năm 2016, một báo cáo gần 700 trang đã cho thấy mức độ đáng sợ của nạn cưỡng bức mổ cắp nội tạng ở Trung Quốc. Báo cáo ước tính hàng năm có đến 60.000 đến 100.000 ca ghép tạng được thực hiện tại nước này. Bằng chứng dùng để tính toán những con số này là dữ liệu từ doanh thu của bệnh viện, số ca cấy ghép, tỷ lệ sử dụng giường, bác sĩ phẫu thuật, chương trình đào tạo và tài trợ của nhà nước.
Thế giới lên án
Đầu tháng này, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã thông qua một nghị quyết lên án việc thu hoạch nội tạng không tự nguyện ở Trung Quốc, và gọi đó là một sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
“Người ta tin rằng từ năm 2000, hàng trăm ngàn người đã bị sát hại và bị cưỡng bức lấy đi nội tạng”, nghị quyết cho biết, đồng thời cũng đề cập đến phán quyết của Tòa án Xét xử Trung Quốc ở Anh hồi tháng 6 năm nay. Theo phán quyết cuối cùng của tòa án, chính quyền Trung Quốc đã cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm một cách có hệ thống trong nhiều thập kỷ.
“Hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được tiến hành trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc với quy mô lớn và các học viên Pháp Luân Công có lẽ là một trong những nguồn cung cấp chính”, ngài Geoffrey Nice, chủ tọa phiên tòa tuyên bố.
Tháng 6/2016, một nghị quyết của Hạ viện Hoa Kỳ đã được nhất trí thông qua nhằm kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngừng thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm và chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Nghị viện châu Âu cũng thông qua một nghị quyết tương tự vào năm 2013. Tính đến thời điểm hiện tại, Đài Loan, Israel và Tây Ban Nha đều cấm du lịch cấy ghép nội tạng đến Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo thường niên năm 2018 của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ông Sam Brownback – Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ – đã lên án việc thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc:
“Chúng tôi chia sẻ các báo cáo một lần nữa, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ các tù nhân lương tâm, bao gồm người tu luyện Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng và Kitô hữu ngầm rồi cưỡng bức mổ cướp nội tạng họ. Điều này thực sự khiến ai cũng phải sốc”, ông Brown Brownback tuyên bố.
Thiện Thành (Theo Global Tuidang Center)