Bé trai tử vong sau khi được ông nội cho làm 1 hớp rượu
Nhiều người vốn nghĩ rằng việc cho trẻ nhấm nháp chút rượu là vô hại nhưng đây là một sai lầm. Với người lớn vài hớp bia có thể chưa ảnh hưởng gì nhiều nhưng với trẻ nhỏ dù chỉ số lượng ít nhưng ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh và các hệ cơ quan khác của trẻ.
Khác với người lớn, cơ thể trẻ nhỏ còn non yếu, hệ thần kinh và các hệ cơ quan khác chưa phát triển toàn diện, bởi vậy với chất kích thích có trong bia, rượu sẽ có tác động lớn hơn tới các hệ cơ quan của trẻ, trong đó gan và não dễ bị ảnh hưởng nhất. Trong khi cơ thể trẻ em không thể xử lý, chuyển hóa và đào thải các chất có trong bia, rượu tốt như người lớn nên nguy cơ bệnh lớn hơn nhiều. Ngoài ra, trẻ nhỏ hệ thần kinh đang phát triển nên những tác động của chất kích thích sẽ gây ảnh hưởng đến trí thông minh, ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ của trẻ.
Theo một nghiên cứu của tiến sĩ Taylor McCormick, Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế Đại học Nam California, Mỹ, cho biết cơ thể trẻ nhỏ có khả năng chuyển hóa rượu nhanh hơn người lớn và hấp thụ trong chưa đầy 30 phút. Rượu còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương trẻ nhỏ, gây các triệu chứng ngộ độc gồm khó thở, giảm vận động, co giật… Khó thở có thể khiến lượng oxy lên não bé không đủ, dẫn đến tổn thương não, nặng sẽ tử vong nhanh chóng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng từng khuyến cáo bà mẹ đang cho con bú không nên uống rượu bia để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của cả mẹ và con. Thông thường, bà mẹ chỉ uống một ít rượu thì không ảnh hưởng xấu đến trẻ sơ sinh, song nên đợi ít nhất hai giờ sau khi uống rượu mới cho con bú.
Đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh, các bậc phụ huynh lại càng cẩn trọng hơn, kể cả ôm hôn trẻ khi đang uống bia rượu cũng là tuyệt đối không nên.
Điển hình như một sự việc đáng tiếc diễn ra tại lễ đầy tháng của một gia đình người phụ nữ tên Hoàng, sống tại Trung Quốc vào tháng tháng 1/2019.
Để chào đón cháu trai, ông bà nội đã tổ chức tiệc mừng rất lớn cho cháu. Sợ hơi người ảnh hưởng sức khỏe của con, chị Hoàng rất hạn chế đưa bé ra ngoài, thế nhưng, bố chồng chị lại nhất quyết ẵm cháu trai ra để khoe với mọi người.
Trong lúc ẵm cháu, bố chồng chị Hoàng cũng uống không ít rượu rồi liên tục hôn mặt đứa trẻ. Đến giữa bữa tiệc thì cậu bé bắt đầu quấy khóc.
Chị Hoàng chạy ra ẵm con vào phòng để dỗ nhưng nửa tiếng sau, đứa trẻ khóc dữ dội hơn, gương mặt đỏ bừng và hơi thở gấp gáp.
Gia đình lập tức gọi cấp cứu nhưng khi đến bệnh viện thì mọi chuyện đã quá muộn, đứa trẻ đã tử vong.
Nguyên nhân cái chết của đứa trẻ được xác định là do em bị dị ứng cồn. Hành động hôn lên khắp mặt cháu trai của ông nội đã vô tình làm cồn đi vào cơ thể đứa trẻ, gây ra tình trạng dị ứng, cộng với sức đề kháng yếu đã cướp đi tính mạng của đứa trẻ.
Hay một sự kiện đau lòng khác cũng xảy ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/7, trong một bữa tiệc gia đình có rất nhiều họ hàng, bạn bè đến chung vui. Trong lúc ông nội bế cháu đi mời rượu, một người đùa “ông không được uống rượu nếu bé không uống”.
Cảm thấy hơi bực bội vì bị khích bác, người ông bèn chộp lấy một chén rượu, mớm cho cháu một hớp để “giữ thể diện”. Sau sau uống rượu 30 phút sau cháu bé ngừng thở. Gia đình đưa bé đi cấp cứu, nhưng đã muộn. Các bác sĩ kết luận nguyên nhân cái chết là do ngộ độc rượu.
“Trẻ sơ sinh không thể uống được rượu, tại sao ông có thể coi tính mạng của cháu bé như một trò đùa vậy”, nhân viên bệnh viện tức giận nói với người ông.
Nhấp 1 ngụm bia, hậu quả khôn lường
Trẻ nhỏ thường có tính hiếu động, vì vậy khi thấy người lớn làm gì, trẻ hay có xu hướng bắt chước, nhại theo. Vì vậy, khi nhìn người lớn uống rượu bia, trẻ hay đòi thử.
Vì thuận lòng trẻ và cho rằng uống một ngụm nhỏ là vô hại, nhiều phụ huynh sẵn lòng cho con nếm rượu, bia và vui thích trước phản ứng đáng yêu của con nhỏ. Và khi thấy trẻ hào hứng uống, có người lớn còn cổ vũ để trẻ uống tiếp. Hành động cho trẻ làm quen với rượu bia sớm, số lượng dù chỉ là một ngụm cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và thể chất của trẻ sau này.
Chưa kể đến hành động cha mẹ thường xuyên khuyến khích cho con uống một ngụm bia, rượu sẽ hình thành cho trẻ thói quen xấu về nhậu nhẹt, khiến trẻ ngay từ nhỏ sẽ có tâm lý thích uống rượu. Qua đó tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với bia, rượu làm tăng nguy cơ trẻ chủ động sử dụng bia, rượu sớm, có thể là nguyên nhân dẫn tới sự nghiện rượu của trẻ ở tương lai lâu dài về sau này.
Trong trường hợp xấu nhất là không có người lớn, đặc biệt ở những gia đình luôn có sẵn bia, rượu trong nhà trẻ sẽ tự lấy uống mà không có sự kiểm soát của người lớn, có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm khó lường.
Do đó, mỗi bậc cha mẹ nên dừng tư duy hiểu không đúng trong việc cho trẻ nhỏ sớm tiếp cận và làm quen với rượu, bia bởi những tác hại của rượu sẽ ảnh hưởng đối với cơ thể trẻ ở cả hiện tại lẫn tương lai. Thay vì dạy trẻ những thói quen không tốt, mỗi bậc cha, mẹ cần là tấm gương tốt để con, trẻ học tập noi theo.
Chúc Di (t/h)