‘Bao cấp’ chống ngập thất bại, TP HCM kêu gọi xã hội hóa ‘ai ở thì trả tiền’
Chống ngập theo kiểu dịch vụ công thất bại, thành phố HCM có chủ trương xã hội hóa và thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia, ai ở địa phương nào trả chi phí chống ngập ở địa phương đó với giá 3.668 đồng/m2/tháng.
Giá dịch vụ chống ngập ở TP HCM sẽ là 3.668 đồng/m2/tháng, và người dân sẽ phải tự trả chi phí này. Con số này là do Phân viện kinh tế Miền Nam xác định dựa trên chi phí vận hành dự án chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh bằng máy bơm làm căn cứ, cơ sở tính toán.
Từ năm 2008 đến nay, TP HCM đã chi tiêu khoảng 23.000 tỷ để thực hiện công tác chống ngập nhưng càng chống… lại càng ngập. Do đó, nhằm thu hút các nguồn lực xã hội vào cuộc, TP đã có chủ trương xã hội hóa công tác này.
Theo ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), vấn đề then chốt hiện nay là tài chính. Ông nói:
“Lâu nay, chúng ta thường áp dụng giải pháp hợp tác công – tư theo hình thức hợp đồng (BT) đổi đất lấy hạ tầng. Nhưng, điều lạ là trong khi hầu hết các dịch vụ công ích đều được xã hội hóa (như giáo dục, y tế, giao thông…) theo nguyên tắc có sử dụng là có trả tiền thì riêng chống ngập lại chưa thấy xã hội hóa mạnh; ngân sách nhà nước còn gánh hầu hết cho công tác thoát nước, chống ngập.”
Tuy nhiên, chính sách này cũng vấp phải nhiều phản đối.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, người không đồng tình với việc yêu cầu người dân phải đóng phí dịch vụ chống ngập đã chỉ ra 2 lý do chính.
Thứ nhất, việc tính giá dịch vụ theo mét vuông là không hợp lý. Mỗi điểm ngập có những nguyên nhân khác nhau, không thể tính toán trên diện tích mét vuông, rồi áp dụng chung cho cả TP.
Thứ hai, tác nhân gây ngập cho TP.HCM không phải người dân.
Ông nêu ý kiến thẳng thắn: “Chống ngập là dịch vụ công. Người dân đã phải đóng thuế và nhà nước có trách nhiệm đảm bảo họ được sống ở nơi không có ngập lụt. Nay vì lỗi do chính quyền, do doanh nghiệp, người dân tự nhiên phải chịu ngập rồi còn phải trả tiền chống ngập nữa thì quá vô lý”.
Ông chỉ trích các nhà quản lý đô thị đã cho phép các dự án, cao ốc mọc tràn lan trên thành phố là nguyên nhân chính gây ra ngập lụt hiện nay.
Doanh nghiệp ‘chùn’ tay
Mặc dù đã có chủ trương như vậy, nhưng việc kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp (DN) tư nhân còn gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp có năng lực lại không mặn mà lắm.
Đại diện 1 DN đang quan tâm các dự án chống ngập của TP.HCM đánh giá việc ban hành giá dịch vụ chống ngập vừa góp phần thu hút vừa tăng sự cạnh tranh giữa các DN, nhưng ông cũng cho rằng, không nên ‘cứng nhắc’ một giá chung cho tất cả các dự án. Do mỗi công trình có nội dung khác nhau, các đầu việc và công nghệ khác nhau.
“Đơn cử công trình chống ngập cho mưa thì chỉ cần làm cống, ống bơm nhưng chống ngập do triều thì còn phải làm đê bao, trạm bơm, duy tu nạo vét thường xuyên… Chưa kể, tùy thuộc địa thế từng khu vực mà công tác thi công, xây dựng, giải pháp cũng khác nhau, chi phí khác nhau”, doanh nhân này phân tích.
Từ Thức (t/h)