Bản đồ địa chất thế giới biến động mạnh sau thảm họa động đất Nepal
Thảm họa động đất Nepal vừa qua đã làm thủ đô Kathmandu dịch chuyển khoảng 3m về hướng Nam, đỉnh Everest giảm độ cao 2 cm và dãy núi Annapurna cao lên khoảng 20 cm. Những thay đổi này đủ lớn để các bản đồ địa lý thế giới có độ chính xác cao phải điều chỉnh lại.
Liên quan đến vụ động đất mạnh 7,9 độ Richter ở Nepal, giới khoa học địa chất Mỹ cho biết, thủ đô Kathmandu của nước này có thể đã dịch chuyển khoảng 3m về hướng Nam.
Theo các số liệu phân tích ban đầu, một mảng thạch quyển dài khoảng 90km và rộng 50km nằm dưới thung lũng Kathmandu, dưới áp suất hàng thập kỷ qua đã trượt đi, khiến đất đá trên bề mặt rãnh đứt gãy và dịch chuyển về hướng Nam. Sự dịch chuyển này đủ lớn để các bản đồ địa lý thế giới có độ chính xác cao phải điều chỉnh lại.
Trước đó, các nghiên cứu về khoa học địa chất đã cho rằng, lục địa mới sẽ được hình thành do sự dịch chuyển địa mảng giữa châu Á và châu Mỹ trong tương lai về lâu dài, và thảm hoạ động đất ở Nepal đã nhấn mạnh thêm quá trình hình thành siêu lục địa mới này.
Cũng theo ý tưởng này, Trái đất đang được thiết lập lại để tạo thành một siêu lục địa mới, được đặt tên là Amasia (kết hợp từ tên gọi America – châu Mỹ và Asia – châu Á).
Ban đầu, mảng Ấn Độ đang tiếp tục di chuyển phía Bắc vài cm mỗi năm, điều này đã kích thích hoạt động kiến tạo, trong khi các châu lục khác cũng đang di chuyển về phía nhau.
Căn cứ trên bản đồ thế giới, Nepal nằm ở vị trí nơi xảy ra sự va đập của các mảng địa chất. Chính sự di chuyển này đã ảnh hưởng đến kiến tạo của Trái đất, từ đó dẫn tới những cơn địa chấn. Sự chấn động này đã phần nào khiến cho cuộc di chuyển của mảng địa chất diễn ra nhanh hơn, tạo đà cho sự hình thành lục địa mới.
Ngoài ra, tờ Huffington Post dẫn số liệu của vệ tinh Sentinel -1A thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu ngày 29/4, thời điểm vệ tinh lần đầu lướt qua khu vực bị ảnh hưởng của thảm họa, cho biết cơn địa chấn hôm 25/4 còn khiến đỉnh núi cao nhất thế giới sụt đi khoảng 2,4 cm.
Khi đứt gãy giữa các mảng thạch quyển Ấn Độ và Á – Âu va vào nhau gây nên động đất, xung lực được giải phóng và khiến lớp vỏ Trái đất ở đó trùng xuống. Điều này khiến đỉnh núi cao nhất thế giới giảm độ cao.
Cùng lúc, dãy núi Annapurna nằm ở miền trung Nepal, gần tâm chấn động đất, cao lên khoảng 20 cm, các nhà khoa học cho biết.
Theo tất cả những dữ liệu trên, sự xuất hiện của những cơn địa chấn với độ rung lắc mạnh cũng không phải là một sự kiện quá lạ lẫm với quốc gia này. Nói cách khác, trận động đất ngày 25/4 có thể coi là “thảm họa được báo trước”.
Sau trận động đất, Nepal chỉ còn lại là hình ảnh hoang tàn đổ nát, đau thương chất ngất. Những nỗ lực cứu các nạn nhân ra khỏi những đống đổ nát tại Kathmandu vẫn tiếp tục suốt ngày đêm.
Lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận được nhiều làng mạc ở các khu vực xa xôi hẻo lánh trong khi các báo cáo từ trực thăng và máy bay không người lái cho thấy có tới 70% nhà cửa đã bị phá hủy hoàn toàn.
Chính quyền Nepal dường như vẫn lúng túng trong công tác cứu nạn những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát bởi trang thiết bị hạn chế. Nhiều nhân viên cứu hộ cho biết họ phải đào xới đất bằng tay và đã rất mệt mỏi, kiệt sức vì phải thức thâu đêm.
Đến nay, theo số liệu của Trung tâm các chiến dịch khẩn cẩm, khoảng 7250 người được xác định thiệt mạng và hơn 14.000 người bị thương.
Theo ĐSPL, VNE, kenh14