Bắc Kinh lần đầu trong lịch sử bật “cảnh báo đỏ” ô nhiễm không khí
Ngày 7/12, Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc lần đầu phải bật “cảnh báo đỏ” về tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng do một màn khói bụi dày đặc dự kiến sẽ bao trùm thành phố trong những ngày sắp tới.
Sáng Thứ Ba (8/12), một nửa số ô tô riêng của Bắc Kinh sẽ không được phép ra đường, căn cứ theo biển số chẵn – lẻ; và 30% xe chính phủ cũng phải nằm trong gara.
Báo động đỏ, được bật khi dự báo có sương mù dày đặc kéo dài hơn 72 giờ, là mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo mã màu bốn bậc của Bắc Kinh.
Các hoạt động xây dựng ngoài trời cũng phải ngưng hoạt động, nhưng chỉ một số nhà máy công nghiệp phải “thực hiện các biện pháp hạn chế hoặc ngừng sản xuất”, Cục Bảo vệ Môi trường Bắc Kinh cho biết. Ngoài ra, pháo hoa và nướng thịt cũng bị cấm.
“Mọi người nên tránh hết sức các hoạt động ngoài trời”, Cục cho biết. Nếu buộc phải ra ngoài, người dân được khuyến cáo sử dụng khẩu trang hoặc biện pháp bảo vệ khác.
Các trường mẫu giáo, cấp một và trung học được đề xuất đóng cửa chứ không bắt buộc.
Cảnh báo đỏ được đưa ra một tuần sau khi có đám mây xám bao phủ Bắc Kinh khiến chỉ số ô nhiễm không khí PM2,5 tăng vọt lên 634, trong khi chỉ số an toàn mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra là 25. Đám mây này có chứa các hạt siêu nhỏ có khả năng thâm nhập sâu vào phổi.
Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng các biện pháp bảo vệ của chính phủ là chưa thích đáng.
Báo động đỏ được đưa ra trùng với thời gian điễn ra hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu ở Paris, nơi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ “hành động” về vấn đề khí thải nhà kính.
Hầu hết khí thải nhà kính ở Trung Quốc là do đốt than sản xuất điện và để sưởi ấm, gây ra những đám sương mù ô nhiễm, đặc biệt vào mùa đông. Mức tăng trưởng kinh tế trong vài thập kỷ gần đây của Trung Quốc đã gây hậu quả nặng nề tới môi trường.
Ô nhiễm được cho là nguyên nhân khiến hàng trăm ngàn người chết trẻ mỗi năm.
Lượng carbon dioxide của Trung Quốc ước tính gấp đôi Mỹ năm 2013, và gấp khoảng 2,5 lần toàn châu Âu.
Bắc Kinh đã cam kết sẽ dừng tăng mức xả khí thải nhà kính vào năm 2030; đồng thời hứa sẽ giảm 100 triệu tấn than tiêu thụ vào năm 2020 – con số quá nhỏ so với 4,2 tỷ tấn than tiêu thụ năm 2012 – và cắt giảm 60% “chất gây ô nhiễm nghiêm trọng” từ các nhà máy đốt than, nhưng không nêu rõ là chất gì.
Tối Thứ Hai, mức PM2,5 do đại sứ quán Mỹ đo là 206 microgram, trong khi chính quyền địa phương thông báo là 187. Tuy rất cao nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tuần trước.
Theo vntinnhanh.vn