Bắc Kinh cắt điện cưỡng ép người dân di dời trong cái rét -12 độ C
Ngày 24/12, chính quyền thị trấn Diên Thọ, khu Xương Bình, Bắc Kinh đã tiến hành cắt điện ngay khi nhiệt độ giảm còn -12 độ C, nhằm buộc cư dân “thôn nhà gỗ Âu Bắc” (Oubeimu Wucun) phải di dời, hoàn toàn không quan tâm đến sự sống chết của một lượng lớn cư dân là người già, người ốm yếu và tàn tật.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin ngày 27/12, vào đêm Giáng sinh 24/12, nhiệt độ ở Bắc Kinh giảm còn -12 độ C. Trong đêm gió tuyết như vậy, người dân ở “thôn nhà gỗ Âu Bắc” thị trấn Diên Thọ, khu Xương Bình, Bắc Kinh đã buộc phải di dời do chính quyền địa phương cắt điện.
Một cư dân cho biết, có rất nhiều người già yếu và tàn tật sống trong khu vực. Sau khi chính quyền cắt điện, mọi người không có cách nào sống sót, chỉ có thể đối diện với cái chết, có hai người trong thời gian mất điện bệnh tình đã chuyển biến nặng hơn.
Cư dân cho biết, ban đầu họ bị chính quyền lừa dối nên mới mua nhà ở đây. Nhưng hiện tại chính quyền địa phương lại tuyên bố những ngôi nhà này là bất hợp pháp, buộc phải phá hủy.
Chủ sở hữu của “thôn nhà gỗ Âu Bắc” đã quay một đoạn video và nói rằng, có nhiều người già, trẻ em và bệnh nhân sống tại Xương Bình, Bắc Kinh, nhưng chính phủ kiên quyết tiến hành phá dỡ mà không màng đến sự sống chết của người dân.
Có thể thấy trong đoạn video có rất nhiều biểu ngữ treo trong khu có nội dung “Kiên quyết chống lại việc thực thi bạo lực” và “Đấu tranh đến cùng với việc phá dỡ bất hợp pháp”.
Sau khi mất điện, cư dân đã gọi tới “Đường dây nóng” của Thị trưởng Bắc Kinh Trần Cát Ninh và Đường dây nóng 110 của Cục Công an, yêu cầu chính quyền giải quyết tình hình nguy hiểm mà người dân đang phải đối mặt, nhưng phản hồi của hai đường dây nóng đều rất mơ hồ, họ chỉ nhấn mạnh phải “hợp tác với chính phủ”.
Đối với điều này, người quay video không thể không hỏi, “Hợp tác với việc chính phủ cắt điện là sao? Việc cắt điện có ý nghĩa gì? Những người này còn có thể sống hay không?”.
Theo tìm hiểu, việc ở “thôn nhà gỗ Âu Bắc” thị trấn Diên Thọ không phải một sự kiện đơn lẻ. Trên thực tế trong vài tháng qua đã có nhiều “ngôi nhà nhỏ” ở khu Xương Bình, Bắc Kinh bị liệt vào “các tòa nhà bất hợp pháp”, chủ sở hữu và cư dân bị buộc phải trục xuất và di dời.
Vào ngày 18/10/2019, tại thôn Hương Đường, thị trấn Thôi Thôn, khu Xương Bình cũng từng xảy ra sự kiện hơn một ngàn chủ nhà bao vây chính quyền thị trấn. Chủ sở hữu phản đối việc chính quyền địa phương dùng chính sách ban hành sau này thay thế nghị định được ban hành trước đó, khiến những ngôi nhà nhỏ ban đầu họ mua bán hợp pháp trở thành những “tòa nhà bất hợp pháp” và buộc chủ sở hữu phải di dời trong vòng 3 ngày mà không có bất kỳ khoản bồi thường nào.
Sau đó, vào tháng 11, các chủ sở hữu ở thôn Hương Đường lại khởi xướng hoạt động thu thập 10.000 chữ ký chống lại việc ép buộc di dời. Một lượng lớn chủ sở hữu đã ký và yêu cầu chính quyền dừng việc bắt buộc di dời bất hợp pháp và bảo vệ hợp pháp nhà của họ.
Theo báo cáo của truyền thông nước ngoài, những biệt thự ở quận Xương Bình phải đối mặt với việc ép buộc di dời trong thời gian gần đây chủ yếu là nhà ở nhỏ, là những ngôi nhà được xây dựng trên đất tập thể nông thôn mà không phải trả phí chuyển nhượng đất và các chi phí khác.
Được biết, chủ sở hữu của những ngôi nhà nhỏ này chủ yếu là người có thu nhập trung bình như nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa và công chức. Hơn mười năm trước họ đã mua hoặc thuê đất từ chính quyền địa phương tại quận Xương Bình và xây nhà riêng của họ, chủ yếu là nhà cấp bốn và biệt thự, bây giờ chúng lại bị phá hủy do xây dựng trái phép. Mà Ủy ban thôn và chính quyền thị trấn, trước đây đã từng đứng ra bán và cho thuê thì nay lại là một trong những bên tham gia ép buộc phá dỡ nhà.
Ủy ban Chủ sở hữu tiết lộ, sau khi thu hồi lại mảnh đất này, chính quyền địa phương sẽ bán lại cho các nhà phát triển xây dựng nhà ở thương mại. Hoạt động phá dỡ lần này do ông Thái Kỳ, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh đích thân lãnh đạo. Xương Bình chỉ là nơi thí điểm, chính quyền phải hoàn thành việc dự trữ đất trước ngày 1/1/2020 để bán đấu giá lại đất.
Do đó, báo chí nước ngoài nêu ra trong báo cáo liên quan rằng, sau khi “trục xuất tầng lớp hạ lưu”, hiện nay Thái Kỳ lại bắt đầu trục xuất “tầng lớp trung lưu”. Năm ngoái Thái Kỳ đã “nổi tiếng lẫy lừng” khi ra lệnh cho Bắc Kinh dùng bạo lực trục xuất hàng trăm ngàn “người dân hạ lưu”.
Trước đó một video được lưu hành trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc cho thấy, một chủ nhà bị ép buộc phá dỡ nhà tiết lộ rằng, chính quyền địa phương Bắc Kinh hiện ép buộc phá dỡ những ngôi nhà nhỏ này là vì kể từ khi “Luật đất đai mới” có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, tất cả đất sử dụng ở nông thôn đều có thể được chuyển giao hợp pháp. Do đó, chính quyền địa phương phải lấy được đất trước khi “luật đất đai mới” có hiệu lực, như vậy những lợi ích đạt được tương ứng mới có thể thuộc về tài chính của chính quyền thành phố.
Điều đáng nói là gần đây, ông Thái Kỳ, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh kiêm Giám đốc Ủy ban Quy hoạch và Xây dựng thủ đô đã bị thay thế bởi ông Đinh Tiết Tường, Giám đốc Văn phòng Tổng cục trung ương ĐCSTQ, là một trợ lý cấp cao của Tập Cận Bình. Ông Đinh Tiết Cường đã tổ chức một cuộc họp tại cơ quan vào ngày 25/12 với tư cách Giám đốc Ủy ban Quy hoạch Bắc Kinh.
Được biết, chức vụ Giám đốc Ủy ban Quy hoạch Bắc Kinh trước đây luôn do Bí thư Thành ủy Bắc Kinh phụ trách. Bí thư Thành ủy Bắc Kinh đương nhiệm Thái Kỳ đảm nhận vị trí này từ năm 2017, không ngờ hai năm sau, Tập Cận Bình đã phá bỏ thông lệ, trực tiếp phái trợ lý của mình tiếp quản Ủy ban Quy hoạch Bắc Kinh, làm cho ngoại giới có rất nhiều phỏng đoán.
Minh Huy (Theo NTDTV)