Ăn nhiều tinh bột cũng làm tăng chỉ số đường huyết
Nếu nghĩ rằng bánh cookies và các loại bánh ngọt sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường hoặc giảm cân, bạn đang sai lầm.
Bột làm tăng chỉ số đường huyết không kém đường ăn. Hầu hết các công thức làm bánh sử dụng khoảng sáu chén bột cho mỗi chén đường. Giảm đường trong chế độ ăn gần như không ảnh hưởng đến sự gia tăng đường huyết nếu bạn vẫn ưa chuộng các loại bánh.
Carbohydrates là chuỗi các phân tử đường phức tạp với cấu trúc dài. Chúng có mặt trong các loài thực vật và thực phẩm từ thực vật. Carbohydrates có thể là đường đơn, hai phân tử đường liên kết với nhau, cũng có thể là ba hoặc bốn phân tử. Hàng ngàn phân tử đường liên kết với nhau được gọi là tinh bột và hàng triệu phân tử đường liên kết với nhau rất chặt chẽ, không thể tách rời được gọi là chất xơ.
Chỉ đường đơn được hấp thụ trực tiếp từ ruột vào máu. Sau khi ăn, thực phẩm chứa tinh bột sẽ được các enzyme tại ruột cắt thành đường đơn và được hấp thụ ngay lập tức. Cả đường đơn và tinh bột được cắt nhỏ nhanh chóng đi vào máu, gây tăng đường huyết.
Tinh bột phản tính hay chất xơ cũng chứa phân tử đường chuỗi dài nhưng không thể cắt thành đường đơn, vì vậy không được hấp thụ tại ruột non. Các vi khuẩn đại tràng sẽ chuyển đổi chúng thành các axit béo có tác dụng ngăn ngừa ung thư ruột kết và các cơn đau tim.
Đó là lý do chúng ta nên chọn loại carbohydrate giải phóng đường chậm, bởi quá trình cắt thành đường đơn càng nhanh, lượng đường huyết tăng lên và chúng ta phải sản xuất càng nhiều insulin. Ngũ cốc được tinh chế thành bột bị mất lớp vỏ bảo vệ và nhanh chóng bị cắt thành phân tử đường .
Những carbohydrate lành mạnh nhất phải giữ được cấu trúc của chất xơ tự nhiên như trong ngũ cốc nguyên hạt, đậu, các loại hạt, rau và trái cây. Carbohydrate có hại nhất cho bệnh nhân tiểu đường và những người đang cố gắng giảm cân là thực phẩm làm từ carbohydrate tinh chế: bột mì, gạo trắng hoặc ngô xay, nước ép trái cây và tất cả các loại đường được chiết xuất.
An Nhiên – Theo Epoch times