Ai xứng đáng là tương lai của nước Mỹ?
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ qua đi hơn 1 năm, song kết quả bầu cử đã để lại một sự chia rẽ sâu sắc trong lòng người dân quốc gia này. Không chỉ là việc ứng cử viên nào được yêu thích hơn, nó còn bộc lộ những sự khác biệt to lớn giữa các tầng lớp và các vùng miền ở Mỹ.
Bài báo của Simone Gao được đăng ngày 15/12/2017 trên báo Epoch Times của Mỹ phần nào hé lộ những quan điểm khác nhau về những vấn đề trong xã hội Mỹ.
***
Sau khi xem xong cuộc trao đổi giữa Bill Whitaker và thống đốc bang California Jerry Brown tại chương trình “60 phút” ngày 11/10, trong đầu chúng ta hiện lên một câu hỏi: “Ai mới xứng đáng là tương lai của nước Mỹ?” Sau đây là phần trích cuộc đối thoại:
“Bill Whitaker: Có vẻ như bang California không đồng điệu với phần còn lại của nước Mỹ.
Thống đốc Jerry Brown: Tôi muốn nói rằng chúng ta phù hợp với tương lai nước Mỹ hơn là những bang khác của đất nước.
Bill Whitaker: Ông có nghĩ rằng trong tương lai nước Mỹ sẽ trông giống như California?
Thống đốc Jerry Brown: Vâng, tôi nghĩ như vậy đấy. Tôi tự hỏi: “Tại sao các đảng viên Đảng Dân chủ ở các bang Ohio và Wisconsin, Michigan và Pennsylvania lại bỏ phiếu cho ông Trump?” Họ đã làm không nhiều, nhưng đủ để cho ông ta phiếu bầu của cử đại cử tri.
Bill Whitaker: Và câu trả lời của ông cho câu hỏi này là gì?
Thống đốc Jerry Brown: Ở đây người ta có nhiều tự tin, ít sợ hãi. Con người [ở đây] đang hướng về tương lai. Họ không sợ hãi, họ không đi vào trong, họ không đổ lỗi cho số phận, họ không đổ lỗi cho người nhập cư Mexico. Họ không đổ lỗi cho người lạ. Có một sự đối lập. Đó là mảnh đất sống động. Rất sôi nổi. Đó là một nền văn hóa đi lên, không tự giam mình trong sợ hãi và bất an kinh tế”.
Thống đốc Brown cho rằng những người bỏ phiếu cho Trump không đại biểu cho tương lai của nước Mỹ.
Trong một buổi phỏng vấn để phân tích chiến thắng của ông Trump, Shaw Steel, Ủy viên Đảng Cộng hòa, người vận động tranh cử cho Trump ở bang California đã nói về những người bỏ phiếu cho ông Trump:
“Ông Trump biết rằng ở Mỹ có rất ít chính trị gia hiểu rõ vấn đề, trong đó có rất nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa. Ông ấy hiểu rằng có những người [công dân Mỹ] bị lãng quên, đó là những người ở “những bang nội địa” (flyover states). Người dân Hollywood [ở bờ Tây] bay đến New York [ở bờ Đông], các giám đốc ngân hàng New York bay đến Los Angeles. Và những người sống ở những vùng nằm giữa Los Angeles và New York đều là con người, những người thấp cổ bé họng, họ đeo những chiếc mũ vui nhộn. Họ không có khiếu thưởng thức âm nhạc, họ không có nhà hàng. Họ thậm chí không có trường đại học tốt. Vì vậy, các bạn bay qua vùng này [chứ chưa bao giờ đặt chân đến đó]. Vâng đó là một phần của nước Mỹ mà các bạn bay qua. Nhưng giới tinh hoa ở New York và Los Angeles không đi các bang nội địa Mỹ. Họ không đến các bang như Mississippi, Tennessee hoặc Wyoming. Họ không có gì để làm với những người ở đó, họ chỉ nói chuyện với nhau [về vùng này]. Và ông Trump nhận thức được rằng họ [giới tinh hoa] chỉ là thiểu số [ở Mỹ]”.
Flyover country (tạm dịch là các bang nội địa) là cụm từ có tính chất xúc phạm hoặc miệt thị mà người Mỹ dùng để diễn tả phần lãnh thổ Mỹ nằm giữa bờ Đông và bờ Tây. Các chuyến bay xuyên lục địa từ 2 quần thể đô thị đông dân nhất nước Mỹ, vùng đô thị Đông Bắc và Nam California, thường bay ngang qua vùng lãnh thổ này. Vì vậy, “flyover country” chỉ về phần lãnh thổ mà người Mỹ chỉ thấy khi nhìn từ máy bay và không bao giờ thật sự tận mắt nhìn thấy trên mặt đất.
Tôi tin rằng “những bang nội địa” mà Shawn Steel đề cập chính là “những người tự giam hãm mình” mà Thống đốc Brown nói đến. Tôi hy vọng Thống đốc Brown không có ý định bước vào tương lai tươi sáng của Mỹ mà không có những người này, bởi vì điều đó không khả thi.
Trong vài thập kỷ qua, chính sách ưu tiên cho tầng lớp tinh hoa của ĐCSTQ đã có một vài tác động nổi bật. Thứ nhất, nó khiến cho nền kinh tế Trung Quốc mạnh lên trong khi bóp nghẹt tự do và dân chủ. Thứ hai, trong khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, Thung lũng Silicon ở California và phố Wall ở New York cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong khi công nghiệp ở vùng Trung Tây Hoa Kỹ bị tổn thương. Một số nghiên cứu của MIT và Đại học Harvard cho thấy, nhà máy và việc làm dời sang Trung Quốc đã dẫn đến cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện (thuốc giảm đau nhóm Opiods) ở Mỹ.
>>> Người Mỹ chết vì thuốc giảm đau gây nghiện nhiều hơn vì chiến tranh
Mặt khác, như J.D.Vance, tác giả của cuốn sách bán chạy của tờ New York Times “Hillbilly Elegy” (vùng kém văn minh) miêu tả, chúng ta không thể đổ lỗi nguyên nhân duy nhất gây ra sự sụp đổ của các cộng đồng này cho sự mất an ninh về kinh tế. Theo Vance, những người Ai Len gốc Scotland ở Dãy núi Appalachia (một ngọn núi ở phía đông nước Mỹ) thường dễ bị náo loạn và tự hủy hoại xã hội hơn các cộng đồng khác khi gặp phải bất hạnh. Mọi việc đều ổn khi họ có công ăn việc làm, nhưng khi họ thất nghiệp, họ bắt đầu suy sụp.
Thật lòng là tôi không nắm bắt được hết vấn đề. Nhưng rốt cuộc cũng chẳng có bao nhiêu người có thể vượt qua các tác động của một cuộc di chuyển việc làm lớn đến vậy.
Tuy nhiên, thống đốc Brown tin rằng những người này không đại diện cho tương lai của Mỹ.
Ông ấy vẫn chưa hiểu ra vấn đề này, vậy thì không tốt tí nào.
Thứ nhất, làm sao các bạn có thể loại bỏ họ khỏi tương lai của Mỹ khi họ cũng tham gia vào việc quyết định ai sẽ dẫn dắt nước Mỹ trong tương lai, và cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 đã cho thấy rõ điều này.
Thứ hai, là vấn đề về đạo đức. Nếu có người bị tước đoạt công ăn việc làm đến mức không thể duy trì được một cuộc sống bình thường, thì bạn không thể nói họ không xứng đáng có một tương lai thịnh vượng.
Nhân tiện, theo ông Vance, những người này là những người Mỹ yêu nước nhất. Phần lớn máu của con cháu họ đã đổ ra ở các cuộc chiến Trung Đông và Afghanistan. Trái tim của họ luôn hướng về chúa Giê Su và nước Mỹ.
Câu hỏi “Ai xứng đáng là tương lai nước Mỹ?” phải được hỏi với sự kinh trọng mà chúng ta biểu đạt với những đồng bào người Mỹ của mình.
Bạch Vân, theo Epoch Times